truedata

Chống vận chuyển hàng giả, hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính: Cần sự phối hợp của cơ quan chức năng và doanh nghiệp bưu chính

07/06/2022 15:16

Thương mại điện tử phát triển đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là qua bưu chính. Dịch vụ này đang bị các đối tượng lợi dụng như một phương thức mới cho việc kinh doanh hàng cấm, hàng lậu. Liên tiếp thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện những kho hàng lậu, hàng giả được tiêu thụ trong nội địa bằng hình thức bán hàng online và vận chuyển qua bưu chính… Vì vậy, để chống vận chuyển hàng giả, hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng thì cũng cần thiết phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp bưu chính.

Lợi dụng bưu chính làm kênh vận chuyển chính

Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa diễn ra rất sôi động do việc mua sắm trực tuyến gia tăng, do đó thị trường bưu chính phát triển mạnh mẽ, nhất là bưu chính gắn với thương mại điện tử. Tuy nhiên, đó cũng là nguy cơ để các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

Ngày 27-5, Đội 1 và Đội 3 của Cục Quản lý thị trường TP. HCM đồng loạt kiểm tra nhiều kho hàng trên đường Lương Minh Nguyệt (quận Tân Phú) và đường Thành Thái (quận 10). Kết quả kiểm tra thực tế tại Điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa, lực lượng chức năng phát hiện tại đây không thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Tiến hành kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đã ghi nhận rất nhiều các mặt hàng mỹ phẩm, chủ yếu là kem tẩy tế bào chết, kem dưỡng, kem chống nắng, nước tẩy trang, nước hoa hồng, nước hoa, son dưỡng, sữa rửa mặt, chì kẻ mắt…) các loại, các hiệu HEYXI, SHIMANG, NORO, YANGMEI, do Trung Quốc sản xuất, chưa qua sử dụng. Trên các sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Trên bao bì sản phẩm, không có tài liệu liên quan đến chất lượng của hàng hóa kèm theo và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp của hàng hóa để xuất trình chứng minh nguồn gốc hàng hóa theo quy định với gần 92.000 sản phẩm. Tổng trị giá theo niêm yết là: 5.985.675.000 đồng. Hình thức mà các đối tượng thực hiện để tiêu thụ hàng hóa là bán online và vận chuyển qua đường bưu chính.

13-27-16-kho-hang-thanh-hoa-1654589682.jpeg
Các lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng ở Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, sau hơn 2 tháng trinh sát, nắm bắt vụ việc, các dấu hiệu vi phạm trên các livestream mà cơ sở đăng tải, ngày 27/4/2022, các cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra 5 kho hàng tại đường Tô Vĩnh Diễn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Kho hàng thuộc sở hữu của bà Trương Thị Liên (sinh năm 1971), hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hoá. Tại các kho hàng, chủ cơ sở đã phân chia thành từng lĩnh vực với các mặt hàng riêng biệt như khu phục vụ livestream, kho chứa các mặt hàng thời trang; gia dụng; giầy dép; hoá mỹ phẩm…. Tổng số trên 12.000 sản phẩm có nhiều dấu hiệu vi phạm. Trong đó phần lớn là các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Channel, gucci, loui vuitton, kenzo…. ngoài ra còn có một lượng lớn sản phẩm là hàng hoá do nước ngoài sản xuất, chủ cơ sở chưa chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Cùng với đó, tại hiện trường, hàng trăm đơn hàng đã được đóng gói chờ vận chuyển cho thấy, hàng hoá tại cơ sở này được phân phối khắp mọi nơi từ miền Bắc đến miền thông qua dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh với đa dạng các mặt hàng từ thời trang như giầy dép, quần áo đến các mặt hàng gia dụng như nồi chiên không dầu, quạt điện….

Trước đó, tại Kiên Giang, ngày 28/9/2021, Đội Quản lý thị trường số 2 chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Rạch Giá kiểm tra tại Chi nhánh Bưu chính Viettel Kiên Giang, địa chỉ tại số 679, đường Nguyễn Trung Trực, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 1.307 đơn vị sản phẩm bao gồm: linh kiện điện thoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, máy cắt tóc, quần áo may sẵn, toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp kèm theo.

Cũng tại TP.HCM, cuối năm 2021, Đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp Đội Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ; Công an Phường Tân Hưng Thuận Quận 12 vừa tiến hành kiểm tra đối với địa điểm kinh doanh Công ty Cổ phần Bưu chính Thời gian Vàng. Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 12 đã tạm giữ 987 sản phẩm gồm đầu nóng điều hòa không khí, đầu lạnh máy điều hòa không khí, tủ lạnh, máy giặt, quạt, máy lọc không khí, máy rửa bát, máy lạnh đứng đã qua sử dụng các hiệu Dakin, Panasonic, Hitachi, Fujitsu… có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài (có xuất xứ - Trung Quốc, Nhật… và không rõ xuất xứ), nguồn điện 100 V, 200 V. Làm việc với lực lượng chức năng, đại diện công ty chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp của sản phẩm.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã trực tiếp phát hiện, kiểm tra và xử lý 15 vụ vi phạm pháp luật trên khâu lưu thông hàng hóa, với tổng số tiền xử phạt hơn 550 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1,5 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm đa dạng như: Xe đẩy em bé, ghế làm việc, nồi chiên các loại, áo khoác nữ, túi xách, quần áo, đồ chơi trẻ em và mỹ phẩm các loại…

Trên thực tế, khi các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm thì thông tin về địa chỉ của người gửi và người nhận hàng đều ghi địa chỉ giả, thậm chí không có người nhận hàng. Trong khi đó, các đơn vị dịch vụ bưu chính luôn hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục, chi phí rẻ và thời gian giao hàng nhanh cho nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng cấm. Bên cạnh đó, với loại hình dịch vụ chuyển phát COD-giao hàng thu tiền hộ được các doanh nghiệp thương mại điện tử, cơ sở bán hàng trực tuyến sử dụng rộng rãi, thì người thực hiện vận chuyển hàng hóa chủ yếu là nhân viên giao hàng khiến cho việc kiểm soát của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. 

Tăng cường phối hợp kiểm tra và nâng cao trách nhiệm của DN bưu chính

Lợi dụng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua đường bưu chính là một thủ đoạn không mới nhưng ngày càng tinh vi và khó xử lý bởi vướng một số quy định của pháp luật. Theo quy định hiện nay, cơ quan bưu chính và các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát thay mặt cho khách hàng kê khai hàng hoá và làm các thủ tục hải quan. Vì vậy khi phát hiện bưu gửi có vi phạm, truy tìm người chịu trách nhiệm rất khó vì người gửi thường dùng địa chỉ giả, còn người nhận khi biết đó là hàng cấm hoặc phải đóng thuế cao thì từ chối nhận. Bất cập này tồn tại từ khá lâu nhưng khó thay đổi, vì đó là thể lệ bưu chính và phải tuân thủ theo thông lệ quốc tế. Đối với hàng hóa vận chuyển trong nước bằng đường hàng không sẽ chỉ bị kiểm tra ở đầu nhập hàng và đầu cuối trả hàng, không bị kiểm tra trong quá trình vận chuyển như đường bộ. Hơn thế nữa hàng hóa được kẹp chì, dán niêm phong, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý gian lận.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú trọng đối với phương thức thông qua dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không để hình thành, phát sinh các điểm nóng, phức tạp về buôn lậu trong hoạt động này. Trong đó lực lượng Hải quan tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa được vận chuyển thông qua hoạt động dịch vụ chuyển phát nhanh trong địa bàn kiểm soát hải quan; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Lực lượng Công an, QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến trọng điểm, các điểm dịch vụ bưu chính, các cơ sở kinh doanh có sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó cũng cần sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động bưu chính.

Được biết, Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp về việc kiểm tra và xử lý tình huống đối với hàng hóa kinh doanh gửi qua đường bưu điện trong nước. Theo đó, hai đơn vị phối hợp xây dựng và thực hiện các kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất xử lý những bưu phẩm, bưu kiện là hàng hóa vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, cập nhật các vi phạm xảy ra trên thị trường. tại các địa phương, để tăng cường công tác kiểm soát hàng hóa gửi qua đường bưu chính, nhất là với các loại hàng giả, hàng lậu, hàng cấm, tại một số tỉnh, thành phố UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan.

Một giải pháp quan trọng để ngăn chặn thực trong này là sửa các quy định của pháp luật liên quan đến công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa qua đường bưu chính. Tuy nhiên, trong lúc chờ sửa các quy định thì việc tăng cường kiểm soát là quan trọng. Cùng với sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chính là kênh kiểm soát chặt chẽ, sâu rộng nhất để ngăn chặn nạn lợi dụng mạng lưới bưu chính để gửi hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thiết nghĩ, bên cạnh nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng thì phía các DN bưu chính cũng cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu doang nghiệp bưu chính, cần phải đào tạo, hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân viên chấp hành nghiêm các quy định trong quá trình chấp nhận bưu gửi; thận trọng kiểm tra, giám sát các loại bưu gửi. Khi nhận gửi phải đối chiếu với giấy tờ tùy thân, ghi rõ cụ thể và chính xác tên, tuổi và địa chỉ người gửi cũng như người nhận. Trong trường hợp phát hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính cần có quy trình nghiệp vụ và quy chế tự kiểm tra để nâng cao cảnh giác khi liên kết, hợp tác kinh doanh với các đối tác trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính, thuê xe vận chuyển, thuê kho bãi, thuê nhân viên phát, cũng như các chương trình quản lý nghiệp vụ khác để phòng ngừa việc lợi dụng mạng lưới của bưu chính để vận chuyển và bán hàng lậu.

Hải Nam