Theo thông tin từ Bộ Y tế được biết, tính đến 22/10/2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố đánh giá cấp độ dịch COVID-19 của địa phương mình. Theo đó, có 26 địa phương thuộc cấp độ 1 (vùng xanh); 37 tỉnh, thành phố ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình), toàn quốc không có địa phương nào thuộc cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) và cấp 4 (vùng đỏ, nguy cơ rất cao).
Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 với mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19”. Theo đó, nhiều địa phương công bố nới lỏng dần giãn cách xã hội, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp phù hợp, cụ thể, bám sát tình hình thực tế với quyết tâm cao nhất vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, tạo nguồn lực cho tăng trưởng.
Dự báo những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi cả nước được kiểm soát với nỗ lực quyết tâm của Chính phủ trong chiến lược tiêm vacxin phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi và sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, khi các hoạt động thương mại, dịch vụ được nối lại, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong dịp cuối năm cùng với thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã làm cho lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bị hạn chế, ùn ứ, nay có cơ hội để hoạt động trở lại là những nguyên nhân khiến cho tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có những diễn biến phức tạp, gia tăng trở lại trong dịp cuối năm.
Đáng chú ý là các nhóm hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo nhãn mác, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lợi dụng một số mặt hàng thiết yếu khan hiếm để đầu cơ, trục lợi; buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động xuất, nhập khẩu… Đặc biệt nổi lên là lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhóm mặt hàng nguy cơ cao là đường cát, rượu, thuốc lá ngoại, pháo nổ, hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng, thuốc phòng, chống dịch Covid-19, thực phẩm chức năng, phân bón giả, đặc biệt là xăng dầu trong bối cảnh hiện nay khi giá xăng liên tục tăng cao.
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2021 có những chuyển biến căn bản hơn, các lực lượng chức năng cần tập trung làm tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Tại các khu vực biên giới: Lực lượng Bộ đội Biên phòng, chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả các chốt tuần tra biên giới. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý các đối tượng lợi dụng các đường mòn, lối mở để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Khi các đường mòn, lối mở biên giới được kiểm soát chặt, do nhu cầu của người dân tăng cao, tất yếu hàng hóa sẽ tập trung vào khu vực cửa khẩu sau đó mở tờ khai hải quan nhập khẩu để đưa vào trong nước. Nên nhiều khả năng xảy ra tình trạng một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử thực hiện hành vi không khai, khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, hoặc lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp … để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Do vậy, lực lượng hải quan cần tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp các phương tiện công nghệ, kỹ thuật để kiểm soát, giám sát, phát hiện hoạt động của cá nhân, tổ chức, mặt hàng có rủi ro cao trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để đấu tranh bắt giữ xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật. Cùng với đó, các lực lượng chống buôn lậu trên biển cần tập trung theo dõi hoạt động buôn lậu các mặt hàng như xăng dầu, ma túy trên biển.
Trong nội địa: Lực lượng quản lý thị trường phối hợp cùng lực lượng công an cần chủ động triển khai công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động chống buôn lậu, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị liên quan; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời động viên khích lệ tinh thần cho cán bộ, công chức, chiến sỹ trực tiếp nhiệm vụ chống buôn lậu và phòng chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện việc điều động, thay đổi vị trí cán bộ phù hợp để phòng ngừa tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực này; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức, chiến sỹ có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu, để phát sinh diễn biến phức tạp, nổi cộm về buôn lậu trên địa bàn quản lý.
Trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thông qua môi trường mạng. Đặc biệt tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay khi giá xăng dầu trên thị trường trong nước tăng cao, do đó rất dễ xảy ra tình trạng buôn lậu xăng dầu hoặc sản xuất xăng dầu giả.