Hà Nội: Siêu thị Trung Hoa bày bán nhiều hàng hóa Trung Quốc thiếu tem, nhãn phụ

Thời gian gần đây, người dân phản ánh một siêu thị chuyên bán đồ Trung Quốc bày bán công khai nhiều sản phẩm nhập khẩu, các sản phẩm tại đây hầu hết không có tem, nhãn phụ tiếng Việt, vi phạm quy định về nhãn mác hàng hóa và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và học sinh.

Trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ, mẫu mã bắt mắt và hương vị lạ miệng, các mặt hàng được gắn mác “hàng nội địa Trung Quốc” đang trở thành lựa chọn phổ biến, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của dòng sản phẩm này cũng đang làm dấy lên lo ngại về tính pháp lý và mức độ an toàn, khi nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về ghi nhãn, trong đó có Siêu thị Trung Hoa tại số 5 phố Tú Mỡ, phường Yên Hòa, TP Hà Nội nơi đang được ví như một “thủ phủ” hàng Trung Quốc ngay giữa lòng Thủ đô.

Siêu thị Trung Hoa tại số 5 phố Tú Mỡ, phường Yên Hòa, TP Hà NộiSiêu thị Trung Hoa tại số 5 phố Tú Mỡ, phường Yên Hòa(mới), TP Hà Nội

Tràn ngập hàng hóa tiếng Trung, không nhãn phụ tiếng Việt

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận, siêu thị này bày bán hàng nghìn sản phẩm mang đặc điểm nhận diện chung: in toàn bộ bằng chữ Trung Quốc, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định pháp luật hiện hành đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Các sản phẩm có bao bì đẹp mắt, hấp dẫn trẻ em nhưng không có nhãn, mác phụ tiếng ViệtCác sản phẩm có bao bì đẹp mắt, hấp dẫn trẻ em nhưng không có nhãn, mác phụ tiếng Việt

Chỉ trong một lượt tham quan, có thể dễ dàng bắt gặp vô số mặt hàng với chủng loại phong phú, từ bánh kẹo, nước ngọt, mì gói, gia vị chế biến sẵn, xúc xích, chân gà, đùi vịt, mực và bạch tuộc ăn liền… Tất cả đều có bao bì in chữ tượng hình, không có thông tin tiếng Việt về thành phần, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng hay cảnh báo an toàn, những nội dung mà người tiêu dùng cần biết trước khi sử dụng sản phẩm.

Hàng loạt sản phẩm chằng chịt chữ Trung QuốcHàng loạt sản phẩm chằng chịt chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng. Khi nhìn vào sản phẩm, chỉ có thể thấy rõ giá tiền.

Khi được hỏi lý do thường xuyên mua sắm tại siêu thị này, chị Hồng (phường Yên Hòa) chia sẻ: “Các con tôi rất thích vào đây vì đồ ăn nhìn bắt mắt, lạ miệng và giá cả cũng khá rẻ. Nhiều món như chân vịt cay, xúc xích phô mai hay bánh kẹo đủ màu sắc khiến tụi nhỏ cứ nằng nặc đòi mua.”

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến việc phần lớn các sản phẩm đều không có tem nhãn phụ tiếng Việt, có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa và tiềm ẩn rủi ro về an toàn thực phẩm, chị Hồng bày tỏ sự băn khoăn: “Thật ra tôi cũng thắc mắc, nhưng nghĩ đơn giản là siêu thị thì chắc phải có cơ quan chức năng kiểm tra rồi mới được mở bán. Với lại cũng ngay dưới tòa nhà nên cũng tiện vào mua." Dẫu vậy, chị cũng thừa nhận bản thân chỉ dám mua các món ăn vặt có thể nhìn thấy rõ thành phẩm, như chân vịt, khô gà hoặc xúc xích đóng gói, còn lại thì tránh.

Nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình vì bao bì không có chữ tiếng ViệtNhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình vì bao bì không có chữ tiếng Việt

Chia sẻ từ phía các em nhỏ cũng cho thấy sự háo hức xen lẫn tò mò. Bé Minh Khoa (9 tuổi) cười tít mắt khi kể: “Con thích nhất là cái xúc xích đỏ đỏ, ăn cay cay, ngon lắm. Với lại có loại bim bim hình con cá nữa, lạ hơn ở ngoài siêu thị khác!”

Siêu thị này bày bán cả các loại thuốc.Siêu thị này bày bán đa dạng các loại thuốc.

Đáng lo ngại hơn, một số sản phẩm được xếp vào danh mục có yếu tố dược phẩm như thuốc đau xương khớp, thuốc dạ dày, thuốc bổ thận, thuốc cảm cúm, thuốc nhuận tràng, viên uống hỗ trợ lưu thông máu… cũng được bày bán công khai, không hề có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt hay thông tin về đơn vị chịu trách nhiệm phân phối tại Việt Nam.

Hàng cao cấp cũng… mập mờ

Ngay cả những kệ hàng trưng bày sản phẩm được gắn mác “cao cấp” – với thiết kế bao bì sang trọng, giá niêm yết không hề thấp – cũng không thoát khỏi tình trạng mập mờ thông tin. Những chai rượu với hình dáng lạ mắt, hộp trà được đống gói thiết kế sang trọng… tất cả thu hút sự chú ý từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng khi tiến gần hơn để đọc thông tin, người tiêu dùng chỉ thấy những dòng chữ Trung Quốc chi chít, không có bản dịch, không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.

Từ chai không hộp, đến chai đóng hộp cũng toàn chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ Tiếng ViệtTừ chai không hộp, đến chai đóng hộp cũng toàn chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt
Một số người chia sẻ rằng họ “mua để biếu vì nhìn đẹp”Một số người chia sẻ rằng họ “mua để biếu vì nhìn đẹp”

 

Điều này khiến trải nghiệm mua sắm trở thành một “canh bạc” niềm tin. Với mức giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, khách hàng không chỉ trả tiền cho sản phẩm mà còn đang đặt cược vào sự minh bạch của đơn vị bán hàng. Một số người chia sẻ rằng họ “mua để biếu vì nhìn đẹp”, nhưng chính họ cũng không dám sử dụng vì “không biết bên trong là gì”.

Một khách hàng khác chia sẻ thẳng thắn: “Tôi từng mua một chai rượu ở đây để tặng sếp, vì bao bì nhìn rất sang và lạ. Nhưng về nhà mới nhận ra là mình hoàn toàn không biết thành phần, không hạn sử dụng, cũng không biết cơ sở sản xuất là ai. Rất tiếc vì mình đã bỏ ra số tiền không nhỏ mà cảm giác giống như mua hàng… trôi nổi.”

Hàng chục loại thuốc lá được bày bán công khai.Hàng chục loại thuốc lá được bày bán công khai.

Thực tế thời gian qua là đợt cao điểm truy quét hàng hóa là một chiến dịch của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn, đấu tranh và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là Cục Quản lý thị trường đã nhiều lần phát hiện và xử lý các vụ vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ theo đúng quy định pháp luật. Những hàng hóa vi phạm này, ngoài việc bị xử phạt hành chính, còn bị tịch thu, tiêu hủy và xử lý nghiêm minh theo quy định hiện hành.

Mặc dù cơ quan chức năng đang nỗ lực tăng cường kiểm tra, giám sát, nhưng để bảo vệ chính mình và gia đình, người tiêu dùng cần chủ động và tỉnh táo hơn trong quá trình mua sắm. Ưu tiên lựa chọn những điểm kinh doanh, sàn thương mại điện tử có uy tín; yêu cầu hóa đơn, chứng từ rõ ràng khi mua hàng; đồng thời kiểm tra kỹ nhãn mác, thông tin về nguồn gốc nhập khẩu hoặc nơi sản xuất.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn hoặc các khuyến cáo từ cơ quan quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, cần kiên quyết tẩy chay các mặt hàng có dấu hiệu mập mờ về thông tin, không nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc, những sản phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Việc chủ động tìm hiểu thông tin sản phẩm trên các trang chính thức của ngành y tế, hải quan, quản lý thị trường cũng là một cách thiết thực để bảo đảm sản phẩm mình sử dụng đã được cấp phép lưu hành, không nằm trong danh sách bị cảnh báo hoặc thu hồi do vi phạm chất lượng.