Liên quan đến vụ 25 tấn sữa nghi là giả, Công ty Fidimilk nói gì?

Sau khi lực lượng chức năng tỉnh Long An (nay là tỉnh Tây Ninh - PV) phát hiện và thu giữ gần 25 tấn sữa bột nghi là hàng giả, dư luận không khỏi hoang mang về chất lượng cũng như mức độ an toàn của các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường. Liên quan trực tiếp đến vụ việc, mới đây Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dược Fidimilk đã có văn bản số 25/2025/CV-FIDIMILK gửi đến Thương hiệu và Công luận để phản hồi về vấn đề này.

Lô hàng đang chờ tiêu hủy

Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dược Fidimilk (Công ty Fidimilk) cho biết, ngay khi có thông tin, công ty đã chủ động rà soát hệ thống quản lý chất lượng, dây chuyền sản xuất đều phù hợp với quy trình sản xuất và công bố sản phẩm.

Ngoài ra, công ty cũng đã cung cấp chứng từ nguồn gốc hóa đơn rõ ràng và đầy đủ cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An (nay là tỉnh Tây Ninh – PV).

“Lô hàng sữa bị cơ quan chức năng tạm giữ ở Long An là sản phẩm do Fidimilk phân phối, đang chờ hủy, đã được niêm phong, hiện tại đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm sản phẩm và đã có kết quả...” Công ty cho biết.

Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dược Fidimilk, một thương hiệu sữa Việt Nam được thành lập vào năm 2020Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dược Fidimilk, một thương hiệu sữa Việt Nam được thành lập vào năm 2020 (Ảnh: Hoàng Bách)

Viện Y tế cộng đồng TP. Hồ Chí Minh (Bộ Y tế) vừa có kết quả kiểm nghiệm 2 sản phẩm của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dược Fidimilk, gồm: Fidimilk Colos DHA Digest (số lot: 001; NSX: 05/04/2025, HSD: 05/04/2027) và Fidimilk Colos DHA Mom (số lot: 001; NSX: 18/11/2024, HSD: 18/11/2026).

Theo đó, Viện Y tế cộng đồng TP. Hồ Chí Minh kết luận, mẫu giám định sản phẩm Fidimilk Colos DHA Digest (số lot: 001; NSX: 05/04/2025, HSD: 05/04/2027) có kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu Protein, Canxi, Acid Pantothenic, Vitamin K1 và Acid Linoleic (dạng glycerid) phù hợp với mức công bố tại Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 48/2024/ĐKSP; kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu Vitamin A, Vitamin D (D3) và Sắt không phù hợp với mức công bố tại Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 48/2024/ĐKSP.

Kết luận của Viện Y tế cộng đồng TP. Hồ Chí MinhKết luận của Viện Y tế cộng đồng TP. Hồ Chí Minh

Đối với mẫu giám định sản phẩm Fidimilk Colos DHA Mom (số lot: 001; NSX: 18/11/2024, HSD: 18/11/2026) có kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu Canxi phù hợp với mức công bố tại Bản tự công bố sản phẩm số 11/FIDIMILK/2024 đính kèm bản TCSP số 11/2023/TCSP – FIDIMILK; kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu IgG, DHA, Acid Folic (Vitamin B9), Sắt, FOS, Omega 3(Alpha Linolenic acid) và Omega 6 (Linoleic acid) không phù hợp với mức công bố tại Bản tự công bố sản phẩm số 11/FIDIMILK/2024 đính kèm bản TCSP số 11/2023/TCSP – FIDIMILK.

Quyết tâm xóa “vùng cấm” trong cuộc chiến chống hàng giả

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Long An (nay là tỉnh Tây Ninh – PV) đã kiểm tra hành chính một ngôi nhà ở ấp Xóm Mới, xã Tân Lân, huyện Cần Đước (tỉnh Long An cũ) do ông Hồ Văn T. (ngụ tại quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cũ) làm chủ.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận trong nhà chứa nhiều thùng sữa bột với biểu hiện nghi vấn.

Lực lượng chức năng phát hiện gần 25 tấn sữa bột không rõ nguồn gốcLực lượng chức năng phát hiện gần 25 tấn sữa bột không rõ nguồn gốc (Ảnh: CACC)

Cụ thể, lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ gần 12.000 lon sữa, tổng trọng lượng khoảng 25 tấn, đóng trong 963 thùng giấy. Các nhãn hiệu gồm Z1000 Gold +, Sanaki Grow IQ Plus, Gold 1+, Biotar Diest…, giá trị lô hàng ước tính hơn 3 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, toàn bộ sản phẩm ghi nhãn của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Dược Fidimilk, sản xuất tại nhà máy của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và sản xuất S.A.C Pharma. Tuy nhiên, ông Hồ Văn T., chủ nhà, không xuất trình hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng này.

Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa; đồng thời tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Công ty Fidimilk ra thông báo chủ động thu hồi 3 sản phẩm sữaCông ty Fidimilk ra thông báo chủ động thu hồi 3 sản phẩm sữa

Tháng 4/2025, Công ty Fidimilk cũng ra thông báo chủ động thu hồi 3 sản phẩm sữa gồm: Sản phẩm Sữa bột Colos Fidimilk Cancer 900gr, Sữa hạt dinh dưỡng YANAKI 800g và Sữa bột Fidimilk Natto Calosure 800g.

Nguyên nhân được công ty này đưa ra là sau thời gian kiểm tra nội bộ, Fidimilk phát hiện có một số sản phẩm đã phân phối cho khách hàng thể hiện thông tin ghi nhãn chưa phù hợp.

Tăng cường hậu kiểm để kiểm soát chất lượng

Thời gian vừa qua, dư luận cả nước rúng động trước thông tin cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng trong các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sữa giả, thuốc giả… Trong số các bị can có cả một nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng đây không chỉ là vụ việc nghiêm trọng riêng lẻ, mà còn là chỉ dấu cho thấy một “mảng tối” trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và đạo đức doanh nghiệp hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP. Huế - trước khi sáp nhập) bày tỏ lo ngại khi hàng giả, thực phẩm kém chất lượng “len lỏi” vào từng gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân và gây tổn hại tới xã hội.

Theo bà, vụ việc bị phanh phui lần này cho thấy những lỗ hổng trong công tác hậu kiểm - một trong những trụ cột quản lý an toàn thực phẩm.

“Chúng ta chưa làm tốt hậu kiểm. Đây là điều rất đáng tiếc, nhưng cũng là một sự cảnh tỉnh trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý chuyên ngành nói riêng”, bà Sửu nhấn mạnh.

Những vụ việc liên quan đến sữa giả cho thấy một “mảng tối” trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và đạo đức doanh nghiệp hiện nay

Những vụ việc liên quan đến sữa giả cho thấy một “mảng tối” trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và đạo đức doanh nghiệp hiện nay (Ảnh: Internet)

Đại biểu cho rằng cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt, phải kết hợp hài hòa giữa tiền kiểm và hậu kiểm, thay vì thiên lệch vào một khâu.

“Không có giải pháp nào tốt hơn việc cải tiến công cụ pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm”, bà Sửu kiến nghị.

Bà cũng đề xuất thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát chéo giữa các khâu và tăng cường phối hợp liên ngành. Theo bà, không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường cũng phải chịu sự giám sát chặt chẽ.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương – trước khi sáp nhập) nhìn nhận, việc sản xuất, buôn bán sữa giả và thực phẩm chức năng giả xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người dân.

“Có phải đạo đức doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chưa được chú trọng đúng mức?”, bà Nga đặt câu hỏi. “Không ít người biết rõ việc sử dụng hàng giả ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ cộng đồng, nhưng vẫn làm vì lợi nhuận”.

Một nguyên nhân khác, theo bà Nga, đến từ sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng. Người dân - đặc biệt là người cao tuổi và đồng bào vùng sâu, vùng xa vẫn khó phân biệt hàng thật, hàng giả, trong khi lại dễ bị tác động bởi quảng cáo thổi phồng.

Nêu thực trạng các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất tự công bố chỉ tiêu chất lượng mà không có sự kiểm định trước, việc kiểm soát được thực hiện thông qua công tác hậu kiểm, bà Nga cho rằng chính điều này đã dẫn đến việc công bố sai lệch, lách luật, công bố sai các hàm lượng khiến hàng kém chất lượng tràn lan thị trường.

Vì vậy, nữ đại biểu đề xuất cần tăng cường hậu kiểm, nhất là với sản phẩm mới, quảng cáo rầm rộ trên thị trường, mạng xã hội.

Bà cũng đề xuất phải kiện toàn lực lượng hậu kiểm vốn đang còn “mỏng”, đồng thời sửa đổi chế tài xử phạt để đủ sức răn đe.

Một điểm then chốt nữa, theo bà Nga, là cần nâng cao đạo đức doanh nghiệp, thậm chí đưa nội dung này thành môn học bắt buộc trong các trường đại học chuyên ngành.