Phớt lờ cảnh báo của cơ quan chức năng, các đối tượng vẫn làm giả bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trộn chất cấm vào sản phẩm nhái để trục lợi. Đơn cử, ngày 2/11, Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Ma túy Công an TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát hiện có hai kho chứa số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật do ông Nguyễn Ngọc H. làm chủ. Trong số hàng này có nhiều loại (với khoảng 1.130 vật phẩm) nằm trong danh mục hàng cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng theo quy định của Chính phủ khi chứa các thành phần chất cấm Chlorpyrifos Ethyl và Glyphosate. Đây là hai hoạt chất mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
Bước đầu ông H. thừa nhận lưu trữ số hàng trên nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán mặc dù biết đó là hàng cấm. Ngoài ra, địa điểm nhà kho của ông H. cũng không đảm bảo các điều kiện về quản lý, lưu giữ, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Tổ công tác đã tiến hành niêm phong, tạm giữ số hàng trên để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tại Gia Lai, chưa đầy 10 ngày, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ hơn 20.000 chai thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất cấm buôn bán sử dụng tại Việt Nam.
Khoảng 19h20 ngày 17/11, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Công an huyện Kbang kiểm tra xe tải mang biển số 81C-129.89 do ông Lê Văn Biển (thị trấn Kbang, huyện Kbang) điều khiển.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện trên xe có 100 thùng carton không ghi nhãn. Trong mỗi thùng có 20 chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu KANUP 480 SL, ngày sản xuất 1-6-2019, thể tích 900ml/chai. Thành phần ghi trên nhãn có chứa hoạt chất Glyphosate IPA Salt. Sau khi kiểm đếm, tổng số lượng là 2.000 chai với khối lượng 1.800 lít.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Tài Văn (trú thị trấn K’bang, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai) cho biết, toàn bộ số hàng này được ông mua về bán kiếm lời. Số thuốc trừ cỏ trên ông Văn mua từ tháng 6-2021 nhưng đến nay người bán mới giao hàng.
Theo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thì thuốc BVTV có chứa hoạt chất Glyphosate không được phép buôn bán sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 1-7-2021. Xét thấy tang vật là hàng cấm, vụ việc có nhiều tình tiết liên quan phức tạp, có dấu hiệu tội phạm hình sự nên đoàn kiểm tra đã tiến hành lập hồ sơ ban đầu, niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật. Đồng thời, đề xuất chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K’Bang điều tra xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 10-11, lực lượng QLTT Gia Lai cũng phối hợp công an tỉnh Gia Lai phát hiện và tạm giữ hơn 3.500 lít thuốc BVTV chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl, Glyphosate cấm sử dụng tại Việt Nam. Số thuốc BVTV này do ông Nguyễn Văn Anh làm chủ ở xã An Phú (thành phố Pleiku).
Gần đây, ngày 22-11, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã tiến hành kiểm kê, vận chuyển đưa đi tiêu hủy hơn 6 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Số thuốc bảo vệ thực vật này do các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn thu giữ từ tháng 7-2018 đến tháng 10-2021. Vụ bắt nhiều nhất khoảng 1 tấn, nhỏ nhất 31kg.
Được biết, số thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu nói trên chủ yếu được các cá nhân, tổ chức thuê cư dân mang vác xuyên qua các đường mòn lối tắt ở biên giới Việt - Trung (ở tỉnh Lạng Sơn), sau đó dùng xe máy chở đến các ôtô nhỏ chờ sẵn tại nhiều địa điểm không cố định rồi đưa về các tỉnh phía sau tiêu thụ.
Theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, các loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 13/2/2021; đối với hoạt chất Glyphosate, không được phép buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 1/7/2021
Thực tế hiện nay, trên thị trường thuốc BVTV, có đến hàng nghìn đơn vị sản xuất, kinh doanh với hàng chục nghìn tên sản phẩm khác nhau. Điều này khiến tình trạng buôn bán tràn lan, hàng giả lộng hành, trục lợi gây ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Trong đó, việc trộn chất cấm vào các sản phẩm phân bón hay thuốc BVTV là vấn đề đau đầu với các nhà xuất khẩu nông sản, nhất là khi xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính. Bởi vì để xuất khẩu sang các thị trường này, các công ty phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong đó không được dùng các chất trong danh mục cấm của họ.
Có thể thấy, ngành sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV là siêu lợi nhuận, tuy nhiêm để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và uy tín của nông sản Việt Nam xuất khẩu thiết nghĩ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cần phải siết chặt lại việc cấp phép kinh doanh các loại hóa chất trong nông nghiệp. Nếu không kiểm soát được thì tạm ngưng cấp phép cho DN mới, hoạt chất mới vào thị trường. Đồng thời theo thông lệ quốc tế để hạn chế, tiến tới loại bỏ các chất độc mà các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản... đã cấm để tránh trường hợp nông sản Việt Nam bị cảnh báo và trả về như thời gian qua.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, trong đó Cục Bảo vệ thực vật cần phối hợp cùng lực lượng chức năng như quản lý thị trường, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời thực hiện tuyên truyền phổ biến đến người nông dân để nhận thức rõ hành vi không tiếp tay, không tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả... Các cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân khi kinh doanh, mua bán, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cần lưu ý và tìm hiểu kỹ thành phần, nhãn hiệu để tránh việc vi phạm các quy định về hàng cấm. Đồng thời, phải có biện pháp bảo quản, sử dụng đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và mọi người.