truedata

Ngành Hải quan: Đạt kết quả tích cực từ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại

04/05/2022 16:37

Quyết liệt triển khai các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, quý 1/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.841 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.288 tỷ 433 triệu đồng; số thu ngân sách đạt 88 tỷ 342 triệu đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 20 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 21 vụ.

09-28-17-img-7401-1651656981.jpeg

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an toàn, an ninh xã hội và phòng chống tội phạm.

Theo thống kê của ngành Hải quan, so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ vi phạm tăng gần 600 vụ (tương đương 18,5%); trị giá hàng vi phạm, số tiền thu nộp ngân sách đều tăng cao với các con số lần lượt là 31,6% và 68%. Đáng chú ý, số vụ việc do cơ quan Hải quan khởi tố gấp 4 lần so với quý 1 năm ngoái. Chỉ trong quý 1 số vụ việc do cơ quan Hải quan khởi tố đã bằng 50% của cả năm 2021.

Để đạt được kết quả này, đó là sự chỉ đạo quyết liệt, cộng với hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể từ Tổng cục, công tác chống buôn lậu, điều tra, khởi tố, nhất là tại các địa phương có sự chuyển biến tích cực. Điều này thể hiện qua công tác khởi tố các vụ án hình sự, đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia trong địa bàn hoạt động hải quan.

Cụ thể, Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố 9 vụ, trong khi quý 1/2021 chỉ khởi tố được 1 vụ và cả năm 2021 chỉ có 11 vụ. Ở các cục hải quan địa phương, cùng kỳ năm ngoái chỉ có 2 đơn vị có quyết định khởi tố với 4 vụ việc vi phạm gồm: Cục Hải quan Tây Ninh và Cục Hải quan Đắk Lắk (mỗi đơn vị 2 vụ). Trong quý 1/2022, có 9/35 cục hải quan địa phương đã có các quyết định khởi tố vụ án hình sự gồm: Cục Hải quan Bình Phước, Cục Hải quan Tây Ninh, Cục Hải quan Cao Bằng, Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan Lạng Sơn, Cục Hải quan Quảng Bình, Cục Hải quan Quảng Trị, Cục Hải quan Quảng Nam và Cục Hải quan An Giang.

Một sự chuyển biến đáng ghi nhận khác liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại; chống thất thu ngân sách nhà nước, chính là ngoài Cục Điều tra chống buôn lậu, lực lượng kiểm soát hải quan ở các địa phương huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các đơn vị nghiệp vụ, nhất là lực lượng kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) và thanh tra, kiểm tra với nòng cốt là Cục KTSTQ và Vụ Thanh tra - kiểm tra và đóng góp của công tác quản lý rủi ro.

Đối với công tác KTSTQ, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai hiệu quả các chuyên đề, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, quý 1/2022, nhằm triển khai đồng bộ công tác KTSTQ đối với một số lĩnh vực quản lý, lực lượng KTSTQ đã nghiên cứu, đánh giá dấu hiệu rủi ro trong một số lĩnh vực quản lý về hải quan theo 7 chuyên đề. Từ đó, đã lập danh sách 202 doanh nghiệp trên địa bàn quản lý giao các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện KTSTQ trong 6 tháng đầu năm 2022…

Quý 1, toàn Ngành đã thực hiện KTSTQ 147 cuộc, trong đó có 42 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 105 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 85,36 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách là 44,74 tỷ đồng. Ngoài việc thu nộp ngân sách nhà nước, Cục KTSTQ đang tăng cường và nâng cao vai trò trong thực hiện thẩm quyền khởi tố các vụ án hình sự. Năm 2021, lần đầu tiên Cục KTSTQ đã khởi tố 1 vụ án hình sự (hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra).

Cùng với đó là công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN) năm 2022 theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch TTCN, Kế hoạch kiểm tra nội bộ (KTNB) của các cục hải quan tỉnh, thành phố năm 2022. Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục hải quan và công tác xác định trị giá đối với ô tô nhập khẩu theo loại hình H11.

Quý 1, toàn Ngành đã thực hiện 21 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó 15 cuộc TTCN và 6 cuộc KTNB. Số tiền thuế kiến nghị truy thu trong toàn Ngành là 8,803 tỷ đồng, trong đó số thuế truy thu là 8,452 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 351 triệu đồng, đã thu nộp, ngân sách 12,382 tỷ đồng (bao gồm số thu qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021).

Trước tình hình vi phạm trong lĩnh vực hải quan ngày càng diễn biến phức tạp, ngành Hải quan đã kịp thời nhận diện và kịp thời có các kế hoạch, phương án đấu tranh cụ thể để khẳng định vai trò chủ công trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại; chống thất thu ngân sách nhà nước.

Góp phần vào kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận của ngành Hải quan còn nhờ hiệu quả công tác quản lý rủi ro. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát rủi ro và Kế hoạch thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro năm 2022; đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của các Cục Hải quan tỉnh thành phố trong quá trình triển khai thực hiện.

Phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm như: mặt hàng đá xây dựng, thép, hàng tiêu dùng, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng tạm nhập, tái xuất… để đề xuất các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm. Bám sát tình hình soi chiếu tại các địa bàn, chủ động trao đổi, phối hợp điều phối hàng hóa soi chiếu, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện soi chiếu phù hợp với tuyến vận chuyển và theo đề nghị của doanh nghiệp.

Kết quả, trong Quý I/2022, toàn Ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 18.052 cont, cont nghi vấn đạt 1.037 cont (chiếm 5,74%/tổng cont soi), cont vi phạm đạt 119 cont (đạt 11,48%/tổng cont nghi vấn). Tổng lượng container giảm 26,19% so với cùng kỳ do tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nhưng lượng container vi phạm cao gấp 2,53 lần. Trong tháng 4, tổng lượng cont soi chiếu toàn ngành đạt 10.851 cont, cont nghi vấn đạt 717 cont (chiếm 6.6%/tổng cont soi), cont vi phạm đạt 46 cont (đạt 6.42%/tổng cont nghi vấn).

Tiếp tục công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, ngành Hải quan chỉ đạo toàn Ngành triển khai các chỉ đạo, kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ, Bộ Tài chính. Thực hiện tốt vai trò là cơ quan giúp việc của Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện công tác thường xuyên, đột xuất của Ban chỉ đạo 138/CP, Ban 61HQ... trong lĩnh vực kiểm soát hải quan. Làm tốt công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm tại địa bàn khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập. Tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, hàng vận chuyển độc lập… Cùng với đó, tăng cường và chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển và chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật hải quan.

Thu Trang