Theo nhận định của Luật gia Phan Thị Việt Thu, hàng lậu, hàng giả hiện nay đang là một vấn nạn nhức nhối trên toàn thế giới, không riêng gì tại Việt Nam. Trong phạm vi quốc gia, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng về nhiều mặt, mà điều quan trọng, NTD chính là tất cả người dân đang sinh sống trên đất nước. Hàng giả, hàng lậu gây tác hại người tiêu dùng (NTD): Đối với NTD, nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, chắc chắn là quyền của NTD được pháp luật qui định bị vi phạm. NTD sẽ phải chịu thiệt hại rất nhiều, không chỉ thiệt hại về tài chính, mà còn ảnh hưởng đến cả thể xác lẫn tinh thần. Bởi vì hàng giả, hàng lậu là những sản phẩm không qua kiểm định chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ để có đối tượng chịu trách nhiệm với người sử dụng.
Trước hết việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ đem đến sự phiền toái, bực bội cho người sử dụng vì hàng giả không đáp ứng được yêu cầu tính năng của sản phẩm theo đúng mục đích của NTD khi bỏ tiền ra mua, rồi có khi không dùng được thì buộc phải bỏ đi và phải chi tiền mua cái khác. Đó là đối với các sản phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt, đặc biệt khi hàng giả là thực phẩm hay thuốc trị bệnh, dĩ nhiên không qua kiểm định, trong đó, tha hồ có những hóa chất cấm, gây tác hại sức khỏe của người sử dụng, nhưng không phát tác ngay mà nguy hiểm là âm ỉ tàn phá trong cơ thể về lâu dài, mà thực tế điển hình tình trạng các loại bệnh nan y bệnh ung thư , tiểu đường, tim mạch, …và nhiều bệnh lạ khác mà khoa học không biết dược nguyên nhân gây bệnh ngày càng phổ biến lan tràn. Ai cũng biết, hàng giả, hàng lậu là một dạng lừa đảo mà NTD là nạn nhân. Trừ trường hợp NTD không có kiến thức phân biệt phải chịu mua lầm hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là đối với những người tiêu dùng chưa từng sử dụng hàng thật, không có nhiều thông tin về mặt hàng mình đang mua mà chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc nhận thông tin từ người bán hàng trực tiếp, cứ thấy giá rẻ là mua, vô hình trung gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần trên thị trường, phổ biến hiện nay là các loại mỹ phẩm giả thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản, các loại nước hoa Pháp đắt tiền nhưng giá rất rẻ được quảng cáo dưới chiêu bài hàng cận date, hàng xả kho…
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp: Việt Nam đã có pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi NTD hơn 20 năm, từ Pháp lệnh năm 1999 rồi đến Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời năm 2010 với những quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, của NTD, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, và đặc biệt có sự tham gia của các tổ chức xã hội BVQLNTD với vai trò và chức năng gắn kết giữa NTD và DN, không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NTD, mà còn tạo điều kiện giúp DN chân chính bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và phát triển kinh doanh. Bên cạnh đó, Luật SHTT cũng đã ra đời từ năm 2005 và được sửa đổi nhiều lần để phù hợp với thực tế, và nhiều văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến việc phòng chống, xử phạt hành vi làm hàng giả, hàng lậu, mà có thể nói, nếu được áp dụng thi hành triệt để thì cũng góp phần ngăn chận rất nhiều tệ nạn hàng lậu, hàng giả.
Tuy nhiên, trên thực tế, phải nói là vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là về nhân sự không đủ đáp ứng cho sự quản lý một thị trường rộng lớn trong đó hàng giả, hàng lậu, hàng nhái vô cùng đa đạng dưới nhiều hình thức, mà các biện pháp chế tài lại không được áp dụng triệt để, trong khi các mức phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu vào của các đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, cho nên công tác bảo vệ doanh nghiệp cũng như quyền lợi NTD còn nhiều khó khăn, trở ngại. Ở góc nhìn của một tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi NTD, công tác chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, mỗi thành phần một vị trí, trách nhiệm nhưng phải có sự gắn kết, trong đó việc thực thi pháp luật phải là cơ sở mấu chốt. Người tiêu dùng phải thực thi nghĩa vụ của mình theo đúng qui định pháp luật, khi phát hiện hàng giả, hàng lậu, hàng nhái thì phải có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp sản xuất hoặc cơ quan chức năng thẩm quyền. Nhà sản xuất hoặc nhà phân phối khi nhận được thông tin của NTD thì phải có động thái tích cực, tìm hiểu, khảo sát và thông báo chính quyền để kịp thời có những biện pháp ngăn chận, trừng phạt. Không vì e ngại chi phí phát sinh mà bỏ qua, khiến NTD chán nản, quay lung với nghĩa vụ của mình. Quan trọng nhất vẫn là sự tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước, tìm đến nơi, truy đến chốn và nghiêm túc thực thi pháp luật đối với những người làm ăn bất chính. Chính điều này là động cơ để thúc đẩy sự hợp tác của NTD và doanh nghiệp và làm chùn chân những kẻ vi phạm pháp luật.
Mặt khác, có tình trạng rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, lại không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không thể xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam. Chưa kể, không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.Cho đến nay, không thể phủ nhận tình trạng khi phát hiện hàng giả, khi mua lầm hàng giả, hàng kém chất lượng, NTD không biết kêu ca với ai, không biết báo cho ai, mà có báo rồi thì cũng không thấy xử lý.
Luật gia Phan Thị Việt Thu nhấn mạnh, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Quan trọng là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Đồng thời tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối; có sự phối kết chặt chẽ với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về các sản phẩm giả trên thị trường nhằm tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả một cách tích cực, triệt để, không vì giá trị nhỏ mà bỏ qua. Việc hợp tác chống hàng giả, hàng lậu là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp, vì đó cũng nhằm bảo vệ thương hiệu và sự nghiệp kinh doanh của chính mình. Cho nên, để chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, thiết nghĩ doanh nghiệp phải mạnh dạn tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để tận dụng các biện pháp chế tài theo qui định pháp luật đối với kịp thời đưa ra những hình thức khuyến thưởng dành cho NTD phát hiện hàng giả…đồng thời dự liệu các chương trình thay đổi mẫu mã sản phẩm và thông báo, hướng dẫn để NTD nắm bắt, định kỳ tổ chức rà soát thị trường để phát hiện hàng giả,… Tuy nhiên, đây là vấn đề các doanh nghiệp e ngại vì sẽ làm phát sinh chi phí sản xuất.