Chiến dịch “thanh lọc” chưa có tiền lệ
Ngày 17/04/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 40/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, phân phối sữa giả. Trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Y tế,… rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/5/2025, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố mở đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực y tế từ ngày 15/5 đến 15/6. Đồng thời, Bộ Y tế đã lập 15 tổ kiểm tra đột xuất dược phẩm, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế.
Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện cao điểm, nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng đã được phát hiện và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra. Đồng thời, hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng khác cũng bị Cục Quản lý Dược và Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thu hồi phiếu công bố.
Điển hình, trong ngày 29/5, Cục Quản lý Dược đã ra 7 quyết định thu hồi gần 300 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm. Điều đáng nói, trong số đó những thương hiệu nổi tiếng, quen thuộc với người tiêu dùng như Dove, Bioderma...

Cục Quản lý được ra thông báo thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm, trong đó có nhiều nhãn hàng được nhiều người sử dụng.
Tiếp đến, ngày 4/6/2025, Cục Quản lý Dược có văn bản yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc 3 sản phẩm mỹ phẩm do Công ty TNHH Shynh Beauty (194/2 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường. Đồng thời, Cục Quản lý Dược ban hành công văn tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với Công ty TNHH Shynh Beauty trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 4/6/2025.
Tại thị trường thực phẩm chức năng cũng chứng kiến cuộc “đại phẫu” chưa từng có, điển hình ngày 6/6, Cục An toàn Thực phẩm đã thông báo 3 quyết định thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, nổi bật là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trumpharmaco (Hà Nội) với 10 sản phẩm bị rút giấy công bố. Đặc biệt, Công ty TNHH Bayer Việt Nam – chi nhánh của tập đoàn dược phẩm toàn cầu Bayer – cũng thu hồi giấy công bố sản phẩm Berocca Performance Mango - một loại vitamin bổ sung rất phổ biến với người tiêu dùng.
Những cuộc “tháo chạy” trong bóng tối
Giữa làn sóng thông tin dày đặc về chiến dịch truy quét hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng dồn dập, những đối tượng lâu nay vẫn sống khỏe nhờ “đầu độc” người tiêu dùng đã vội vàng phi tang sản phẩm nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Hàng nghìn sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng,… bị vứt bỏ ở ven đường Nguyễn Văn Linh. Ảnh: MXH
Ngày 6/6/2025, người dân phát hiện hàng nghìn vỉ thuốc và thực phẩm chức năng mang các nhãn hiệu như Entero Bifina, Pediababy, Jollivit, Arginin, Pharvita Plus, thuốc Eurocare,… bị đổ bỏ ở một bãi đất trống dọc theo trục đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Đối tượng sử dụng các sản phẩm này gồm trẻ em, người bị suy nhược cơ thể, phụ nữ mang thai,…
Theo thông tin trên vỏ hộp, các sản phẩm này do Công ty cổ phần dược phẩm MEDIUSA (TP Hà Nội) sản xuất. Hầu hết các sản phẩm trên đều còn hạn sử dụng, còn nguyên tem bảo hành và mã QR, thậm chí có dòng chữ “nhãn hiệu được bác sĩ và dược sĩ khuyên dùng”.
Sau khi điều tra, Công an TP.HCM xác định số sản phẩm bị vứt bỏ trên liên quan Công ty TNHH Sức khỏe xanh Natural Care (trụ sở tại Quận 12) do Nguyễn Phước Sơn làm giám đốc.
Tại cơ quan điều tra, Sơn khai đã mua số thực phẩm chức năng này từ nhiều nguồn, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Sau đó, doanh nghiệp của Sơn đăng bài quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada... để bán cho người tiêu dùng.
Khoảng 2 tháng trước biết Công ty MEDIUSA và Mediphar bị Bộ Công an xử lý về hành vi làm giả thực phẩm chức năng, nhiều người đã bị bắt, Sơn lo sợ liên quan nên vội vã thu hồi sản phẩm đã bán. Từ ngày 28/5 đến 3/6, Sơn thuê người đến dọn kho hàng gồm 80 thùng carton chứa vỏ hộp, 167 thùng đựng thực phẩm chức năng (tổng trị giá 500 triệu đồng) đem vứt hoặc đốt, ở bãi đất trống cạnh đường Nguyễn Văn Linh. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng thu giữ tại trụ sở Công ty Sức khỏe xanh Natural Care và kho ở huyện Bình Chánh hơn 3.600 hộp sản phẩm mà Sơn chưa kịp tiêu hủy.

Nhiều sản phẩm in dòng chữ “nhãn hiệu được bác sĩ khuyên dùng”. Ảnh: MXH
Khi sự việc đổ trộm thực phẩm chức năng ở TP.HCM vẫn đang được điều tra, thì ngày 10/6, từ tin báo của người dân, lực lượng chức năng quận Liên Chiểu (TP.HCM) ghi nhận số lượng lớn thuốc Cetecocenzitax và vỏ chai (nghi chứa thuốc) nhưng không có nhãn mác, vứt bỏ ở khu vực bãi rác tự phát trên đường Xuân Thiều 21. Nhiều vỉ còn hạn sử dụng đến tháng 8/2026.
Ông Lê Kim Nghĩa - Phó chủ tịch phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu - cho biết số lượng lớn thuốc Cetecocenzitax và vỏ chai màu nâu vứt ở bãi rác tự phát trên đường Xuân Thiều 21 thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 cũng xác nhận số thuốc bị vứt bỏ là của công ty, đã được thu hồi đưa đi tiêu hủy theo quy định từ tháng 9/2024. Do vỉ thuốc là vỏ nhôm nên có thể người ve chai nhặt tại bãi rác để đem về bán, nhưng không thể tiêu thụ nên bị vứt ra khu vực đường Xuân Thiều 21. Sau khi làm việc với công an, công ty trên đã thu gom lại toàn bộ số thuốc bị vứt bỏ mang đi tiêu hủy theo đúng quy định.
Tiếp đến, ngày 13/6, lực lượng chức năng xã Ia Kênh (TP Pleiku, Gia Lai) ghi nhận tại nhiều điểm dọc tuyến đường Trường Sa xuất hiện các bao tải lớn, bên trong chứa nhiều loại kẹo như bạc hà, quế, sữa bò... cùng đồ chơi nhựa thường thấy trước cổng trường học. Phần lớn các sản phẩm còn mới, nguyên tem, chưa có dấu hiệu bị bóc mở.

Nhiều loại kẹo thường được bán trước các trường học bị đổ bỏ ven đường ở Gia Lai. Ảnh: MXH
Ông Nguyễn Quang Hải - Chủ tịch UBND xã Ia Kênh - cho biết đoạn đường trên vốn hoang vắng, thường xuyên bị biến thành nơi tập kết rác trái phép. Chính quyền địa phương đang phối hợp kiểm đếm, xác minh nguồn gốc để xử lý theo quy định.
Cuộc chiến chưa dừng lại
Mặc dù thời gian cao điểm đã hết, tuy nhiên, trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trên.
Theo đó, kết quả triển khai đợt cao điểm đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm trong sản xuất, buôn bán sữa, thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng giả… Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá thực tiễn cho thấy công tác quán triệt, tổ chức thực hiện đợt cao điểm tại một số địa phương còn chậm, chưa sâu sát tình hình. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn biến phức tạp; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, hiệu quả.
Từ kết quả tấn công bước đầu của đợt cao điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục làm cho đợt tấn công cao điểm sôi động, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực hơn nữa, đạt kết quả thực chất, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này trong thời gian tiếp theo. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; đồng thời, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, sỹ quan có biểu hiện suy thoái đạo đức, tham nhũng, tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Ông Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Tạ Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược – cho biết chỉ những sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố mới được phép lưu hành. Đơn vị đứng tên công bố (dù không phải nhà sản xuất hay chủ sở hữu thương hiệu) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có quyền tự đề nghị rút phiếu nếu không còn nhu cầu kinh doanh sản phẩm đó. Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng “tự thu hồi” không đồng nghĩa với “thoát trách nhiệm”. Nếu có dấu hiệu vi phạm như quảng cáo sai công dụng, thành phần không đúng công bố, hay sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp vẫn có thể bị xử phạt và buộc phải thu hồi sản phẩm khỏi thị trường.
“Hiện nay chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, có khi thuốc giả vài trăm nghìn đồng nhưng phạt chỉ vài triệu. Phải tăng nặng chế tài, thậm chí truy tố hình sự nếu cần và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường để truy tận gốc các đường dây sản xuất thuốc giả”, ông Hùng nhấn mạnh.