Các lực lượng thực hiện rõ trách nhiệm quản lý, giám sát, đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm; triển khai phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Duy trì hoạt động đường dây nóng, phân công cán bộ tiếp nhận, xử lý tin báo về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong đó, tập trung kiểm tra là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại truyền thống, các cơ sở hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số. Mặt hàng kiểm tra tập trung vào các loại hàng hóa tiêu dùng như: Giày dép, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm… và các loại hàng hóa thường xuyên bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về xử lý, phân biệt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm bản quyền; phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử, ban quản lý chợ, siêu thị… trên địa bàn tỉnh xây dựng quy chế, tổ chức ký cam kết không để loại hàng hóa này lưu thông trên thị trường
Theo đó, chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra 51 vụ, trong đó 50 vụ vi phạm, xử phạt 251.500.000 đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá gần 3,7 tỷ đồng và chuyển Công an điều tra, xử lý 1 vụ theo quy định của pháp luật. Qua kết hợp với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT đã chủ động và phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết và vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh không vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.