Cảnh giác với hành vi gian lận mã số để trốn thuế

Liên tiếp nhiều vụ khai sai mã số thuế, dẫn đến làm thiếu số thuế phải nộp đã được cơ quan Hải quan phát hiện truy thu nhiều tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

17-06-39-image001-1639449088.jpg
Bộ điều khiển điện tử (Engine ECU) dùng cho ô tô. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Vi phạm phổ biến

Mới đây, sau nhiều chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc sát sao của Trực ban Tổng cục Hải quan, Chi cục Hải quan Ninh Bình (Cục Hải quan Hà Nam Ninh) đã rà soát, kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp khai sửa đổi, bổ sung cho 292 tờ khai liên quan đến mặt hàng “bộ điều khiển điện tử (Engine ECU) dùng cho ô tô” phát sinh tại Chi cục. Qua đó, truy thu tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước (trong đó, thuế nhập khẩu là 4,3 tỷ đồng, thuế GTGT là hơn 431 triệu đồng), đồng thời xử phạt hành chính công ty hơn 900 triệu đồng.

Theo Trực ban Tổng cục Hải quan, những năm gần đây, việc nhập khẩu mặt hàng khai báo là “bộ điều khiển điện tử dùng cho ô tô” (mã HS 8537.1099) của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có tình trạng khai báo không thống nhất dẫn đến có nhiều tên hàng khác nhau như “bộ điều khiển đánh lửa”, “bộ điều khiển động cơ cho máy phát điện”, “cụm ECU dùng để lắp ráp ô tô”… Trong đó, một số doanh nghiệp đã cố tình khai báo sai tên hàng nhằm gian lận mã số để làm giảm số tiền thuế phải nộp.

Đơn cử như trường hợp doanh nghiệp tại Ninh Bình nêu trên, quá trình nhập khẩu, công ty khai báo hàng hóa có “bộ điều khiển điện tử (ECU) hệ thống đánh lửa, dùng để lắp ráp xe ô tô du lịch mã HS 8511.8020. Tuy nhiên, thực chất hàng hóa có mã HS 8537.1099, sau khi kiểm tra, ra soát, cơ quan Hải qua đã truy thu, xử phạt.

Vi phạm liên quan đến khai sai mã số là một trong những hành vi vi phạm khá phổ biến, được phát hiện nhiều trong thời gian qua.

Những tháng cuối năm 2020, Trực ban Tổng cục Hải quan chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) kiểm tra lô hàng nhập khẩu được doanh nghiệp khai báo hàng hóa là “dây cáp dẫn điện chưa lắp đầu nối dùng trong hệ thống năng lượng mặt trời, được bọc cách điện bằng cao su…”, có mã HS 8544.6012, thuế suất thuế nhập khẩu 5%. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế và phân tích phân loại xác định hàng hóa là “Dây điện chưa lắp đầu nối dùng cho hệ thống điện mặt trời có điện áp làm việc 1500 VDC”, phù hợp áp mã HS 8544.6011 có thuế suất thuế nhập khẩu 20%.

Chi cục đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm với doanh nghiệp số tiền hơn 171 triệu đồng, truy thu gần 900 triệu đồng tiền thuế còn thiếu vào ngân sách.

Ngày 13/9/2021, Trực ban Tổng cục Hải quan chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất (Cục Hải quan Quảng Ngãi) kiểm tra lô hàng 214.544 kg thép nhập khẩu được vận chuyển từ cảng Thượng Hải, Trung Quốc đến cảng Hào Hưng, Quảng Ngãi.

Lô hàng có 199.990 kg được doanh nghiệp khai báo là “Thép mạ kẽm, dạng cuộn, chiều rộng 1500mm, dày 0.5mm, hàng mới 100%”, mã HS 7225.9290, có thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, thuế chống bán phá giá 0%, thuế GTGT 10%.

Qua phân tích thông tin, Trực ban Tổng cục Hải quan nhận định hàng hóa khai báo mã HS 72259290 thuộc nhóm 7225 “thép hợp kim khác được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên” cho thấy doanh nghiệp có dấu hiệu không khai báo rõ tính chất thép hợp kim hay không hợp kim, nghi vấn doanh nghiệp khai báo sai tính chất hàng hóa để trốn thuế chống bán phá giá.

Để làm rõ dấu hiệu nghi vấn, Trực ban Tổng cục đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng và lấy mẫu gửi phân tích phân loại xác định mã HS đúng của hàng hóa.

Kết quả kiểm tra thực tế, hàng hóa phù hợp áp mã HS 7210.4912, thuế suất nhập khẩ 20%, thuế chống bán phá giá 38,34%, thuế GTGT 10%.

Với hành vi vi phạm nêu trên, Hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất xử phạt doanh nghiệp gần 50 triệu đồng, truy thu hơn 246 triệu đồng…

Có thể xử lý hình sự với hành vi trốn thuế

Ngoài việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm về mã số hàng hóa ở quá trình thông quan, theo quy định của pháp luật, cơ quan Hải quan có thẩm quyền kiểm tra sau thông quan trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đến ngày ban hành quyết định kiểm tra.

Khoản 2 Điều 77 Luật Hải quan quy định: kiểm tra sau thông quan được thực hiện tại trụ sở cơ quan Hải quan, trụ sở người khai hải quan. Trụ sở người khai hải quan bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng, nơi sản xuất, nơi lưu giữ hàng hóa.

Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan (đến thời điểm ban hành quyết định kiểm tra).

Điều 78 Luật Hải quan quy định các trường hợp kiểm tra sau thông quan: 1, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu; 2, đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro; 3, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

Kiểm tra sau thông quan là một biện pháp quản lý quan trọng, hữu hiệu của ngành Hải quan. Thực tế thời gian qua, chi cục kiểm tra sau thông quan các địa phương đã phát hiện không ít trường hợp vi phạm về mã số hàng hóa. Với các vi phạm này, ngoài bị truy thu số tiền thuế theo quy định, doanh nghiệp còn bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí trường hợp có tình tiết tăng nặng, cơ quan Hải quan có thể xem xét để xử lý hình sự.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xuất nhập khẩu cần tuân thủ, chấp hành tốt quy định của pháp luật, trong đó có khai báo đúng về mã số hàng hóa.

Thái Bình

Link nội dung: https://doanhnghiepnguoitieudung.vn/canh-giac-voi-hanh-vi-gian-lan-ma-so-de-tron-thue-10233.html