Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có sự chuyển biến căn bản

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến do Tạp chí Hải quan tổ chức với chủ đề: “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đặng Văn Dũng cho rằng, để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có sự chuyển biến căn bản cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân và các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia với vai trò là cơ quan tham mưu, đôn đốc, điều phối trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Chính phủ, ông đánh giá thực trạng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả thời gian qua như thế nào? Các hoạt động trên vì sao vẫn tồn tại dai dẳng và có vẻ như luôn phải chạy theo đối phó với tình hình thực tế?

Trả lời câu hổi này, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đặng Văn Dũng cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, điều phối của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội; đã từng bước ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động du lịch, giao lưu thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng, đặc biệt là lực lượng chức năng vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới để tăng cường công tác phòng, chống dịch, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép nên chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm so với những năm trước.

Tuy nhiên, lý giải hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn ra dai dẳng, ông Đăng Văn Dũng cho rằng, hoạt động này còn tồn tại do xuất phát từ sự bất hợp lý về cung-cầu hàng hóa, lợi nhuận lớn, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng; tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng…Bên cạnh đó, một số chính quyền, địa phương chưa thực sự quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; một bộ phận cán bộ, công chức còn tha hóa, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

22-28-47-unnamed-1639698237.jpeg
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đặng Văn Dũng trả lời trực tuyến tại diễn đàn. Ảnh: T.Tr

Với câu hỏi, Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch 119 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Kế hoạch này có gì đáng chú ý và được triển khai như thế nào?

Ông Đặng Văn Dũng cho biết: Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới. Trong đó xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm, tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa...; phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xây dựng phương án tổ chức và tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa. Trong đó, cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp... đặc biệt là các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trả lời câu hỏi, thực tế mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp, nhưng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn tồn tại một thực tế là có tình trạng mạnh ai nấy làm. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này để các lực lượng gắn kết, phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn, kể cả việc phối hợp với doanh nghiệp, người tiêu dùng, thưa ông?

Ông Đặng Văn Dũng cho biết, Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tốt hơn. Đặc biệt kể từ khi Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (theo Quyết định số 389/QĐ-TTg), công tác phối hợp của các lực lượng có sự chuyển biến căn bản.

Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có quy chế quy định cụ thể về sự phối hợp giữa các lực lượng từ trung ương đến cơ sở để nâng cao tinh thần trách nhiệm và phối hợp đồng bộ các biện pháp cũng đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu và gian lận.

Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận, có những thời điểm vẫn có sự phối hợp chưa đồng bộ bởi có những vụ việc phụ thuộc vào quy định của mỗi lực lượng cần sự bảo mật thông tin trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, có những vụ việc khi có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương thì các lực lượng phối hợp rất tốt.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng về cơ bản có sự chuyển biến, nhưng trong một số vụ việc cụ thể vẫn còn chưa tốt. Nguyên nhân là do một số bộ phận cán bộ, công chức còn tiếp tay, làm ngơ cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong khi công tác phối hợp đòi hỏi bí mật, dễ để lọt thông tin để các đầu nậu tẩu tán hàng hóa, thậm chí thay đổi phương thức thủ đoạn gây khó khăn cho việc phát hiện, bắt giữ.

Nhiều vụ việc khi lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra, xử lý hình sự lại gặp khó khăn do không được tham gia vụ việc từ đầu và do chuyển hồ sơ muộn, các đối tượng tẩu tán các chứng cứ liên quan, thống nhất lời khai…”, ông Đặng Văn Dũng chia sẻ.

Tới đây, Văn phòng Thường trực tiếp tục rà soát công tác phối hợp, nếu phát hiện những tồn tại thì sẽ tiếp tục đề xuất các bộ, ngành và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sửa đổi, bổ sung phù hợp để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Với câu hỏi, cứ dịp cuối năm, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ lại có xu hướng tăng cao; cơ quan chức năng cũng tích cực xây dựng kế hoạch ngăn chặn, mở chiến dịch truy bắt… Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, cần phải có một chiến lược dài hơi, căn cơ để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quan điểm của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về vấn đề này như thế nào? Giải pháp thời gian tới?

Trả lời nội dung này, ông Đặng Văn Dũng cho biết, theo quy luật thông thường, cứ vào dịp cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp. Văn phòng Thường trực đã tổ chức nắm bắt tình hình các tuyến địa bàn biên giới, nội địa, từ đó tham mưu cho Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán, với phương châm đấu tranh ngăn chặn từ xa, ngăn chặn các hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường không để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ công khai “lộng hành” ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có sự chuyển biến căn bản cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân và các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Mấy năm qua Ban Chỉ đọa 389 quốc gia luôn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu, rộng để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia công tác này. Đồng thời chỉ đạo các địa phương quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới góp phần ổn định cuộc sống của người dân để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tham dự Tọa đàm có các diễn giả: ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan); ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường); bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Thu Trang

Link nội dung: https://doanhnghiepnguoitieudung.vn/phat-huy-suc-manh-tong-hop-cua-ca-xa-hoi-de-cong-tac-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-va-hang-gia-co-su-chuyen-bien-can-ban-10457.html