Cảnh báo tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ gia tăng tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ

Thời gian gần đây hệ thống đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên nhận được tin báo về tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ. Nổi lên là các mặt hàng đường cát, thuốc lá, đồ uống (rượu, bia, nước ngọt), đồ điện tử đã qua sử dụng… và các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt là mặt hàng pháo các loại.

Lợi dụng việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, tại một số địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố tiếp giáp khu vực biên giới bắt đầu gia tăng tình trạng buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái pháp luật.

Gần đây nhất, theo Báo Quân đội nhân dân đưa tin ngày 03/01/2022, Công an thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã bắt giữ đối tượng ngụ tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước vận chuyển 104 kg pháo lậu. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh, điều tra làm rõ.

12-13-46-phao-171221-1641522155.jpeg

Trước đó, ngày 18/11/2021 Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Vinh và lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh đã phát hiện, triệt phá thành công chuyên án, bắt nhóm đối tượng có hành vi buôn bán hơn 2,4 tấn pháo từ nước ngoài qua địa bàn tỉnh Quảng Trị để đưa vào nội đại tiêu thụ.

Tại một số tỉnh biên giới phía bắc, trong tháng 11 và 12/2021 các lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới mặt hàng pháo. Điển hình ngày 17/11/2021 lực lượng Công an tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) bắt quả tang 6 đối tượng trên đang bốc dỡ 29 thùng giấy chứa gần 500kg pháo nổ trên địa bàn tỉnh.  

Các phương thức, thủ đoạn buôn bán, tàng trữ pháo nổ ngày càng có biểu hiện tinh vi, như chia nhỏ lẻ ra để vận chuyển qua biên giới, sau đó gom lại rồi đưa vào nội địa tiêu thụ nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định:

“Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;

b) Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Tại Điều 3, Nghị định quy định 137/2020/NĐ-CP nêu trên qui định một trong những hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến mặt hàng pháo đó là:

“ Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ…”.

Theo quy định của pháp luật hình sự thì việc buôn bán, tàng trữ, sản xuất, vận chuyển pháo nổ được cho là một trong những hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm. Cụ thể:

Điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội sản xuất, buôn bán; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, trong đó có pháo nổ với số lượng từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam sẽ bị xử lý hình sự.  

Như vậy, có thể thấy pháo là mặt hàng bị cấm buôn bán, tàng trữ, sử dụng. Chế tài xử lý cho các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mặt hàng pháo cũng rất nghiêm khắc, xong vì lợi nhuận nên một số đối tượng vẫn tìm mọi cách để vận chuyển, buôn bán trái phép mặt hàng này từ nước ngoài vào nội địa tiêu thụ.

Dự báo từ nay đến tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, hoạt động này tiếp tục gia tăng trên các tuyến biên giới Tây nam bộ, các tỉnh miền Trung và biên giới phía bắc. Do vậy các lực lượng chức năng cần tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại khu vực biên giới và cửa khẩu.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay, mua bán, tiêu thụ, tàng trữ các loại pháo nổ. Phối hợp với lực lượng chức năng tố giác, phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này qua biên giới vào nội địa tiêu thụ gây mất an ninh trật tự xã hội, đời sống kinh tế của người dân trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng nhiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đoàn Ngọc Toàn

Link nội dung: https://doanhnghiepnguoitieudung.vn/canh-bao-tinh-trang-buon-lau-van-chuyen-trai-phep-phao-no-gia-tang-tai-mot-so-tinh-mien-trung-va-tay-nam-bo-11837.html