Ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với vi phạm xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ

Năm 2022, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với hành vi vi phạm xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Điều tra lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ

Ngày 20/1/2022, đại diện Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) cho biết, thực hiện Kế hoạch chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ trên địa bàn quản lý.

Qua công tác nghiệp vụ, thu thập thông tin, nắm tình hình, ngày 19/1/2022, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai kiểm tra lô hàng nhập khẩu của Công ty TNHH MTV XNK QT.

Kết quả kiểm tra cho thấy, ngoài một số mặt hàng công ty khai báo như quần áo, giày, ví... lực lượng Hải quan phát hiện một số mặt hàng không khai báo hải quan, có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ...

15-49-38-image001-1642780467.jpeg

“Chúng tôi đang tiếp tục xác minh, điều tra, làm rõ để xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chia sẻ thêm.

Nhiều diễn biến phức tạp

Liên quan đến vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, công tác đấu tranh với vi phạm về xuất xứ hàng hóa, vi phạm sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành.

Trong đó, ngành Hải quan sẽ tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý đối với mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa.

Thực tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng, vấn đề vi phạm về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp.

Đơn cử, trong năm 2021, với sự tập trung, quyết liệt trong chống gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ, nhãn mác, chuyển tải bất hợp pháp, vi phạm sở hữu trí tuệ, cơ quan Hải quan tiếp tục phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm.

Đặc biệt, riêng Cục Kiểm tra sau thông quan đã tập trung vào đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào 3 thị trường là Mỹ, EU, Ấn độ và có sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Qua đó, trong năm 2021, đã ban hành 39 quyết định kiểm tra, đã kết thúc kiểm tra đối với 29 doanh nghiệp, phát hiện 17 doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ, buộc doanh nghiệp nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và vi phạm khác là 23,5 tỉ đồng

Ngoài ra, phát hiện những nghi vấn bất thường về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hạt điều, lực lượng Kiểm tra sau thông quan đã triển khai 20 quyết định kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm tại tỉnh Bình Phước.

Kết quả, phát hiện 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu (xuất xứ thuần tuý Việt Nam); 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa (đã chuyển thông tin đến công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm bán tiêu thụ nội địa). Đồng thời đang trao đổi với Viện kiểm soát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố đối với 1 doanh nghiệp.

Thái Bình

Link nội dung: https://doanhnghiepnguoitieudung.vn/nganh-hai-quan-tiep-tuc-day-manh-dau-tranh-voi-vi-pham-xuat-xu-vi-pham-so-huu-tri-tue-12815.html