Hải quan đặt mục tiêu 'phi giấy tờ' vào năm 2022

Năm 2022 là năm ngành hải quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu hải quan phi giấy tờ và xây dựng thành công hải quan số, hải quan thông minh trong những năm tiếp theo.

haiquan1jpg-1644487731301779277383-1644634997.png

Năm 2022 là năm ngành hải quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu hải quan "phi giấy tờ" và xây dựng thành công hải quan số, hải quan thông minh trong những năm tiếp theo.

Đây là một mục tiêu trong Chỉ thị số 384/CT-TCHQ về đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ năm 2022 của Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, theo Chỉ thị 384, trước mắt cơ quan hải quan xác định mục tiêu và kế hoạch đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu hải quan phi giấy tờ trong năm 2022 và xây dựng thành công hải quan số, hải quan thông minh trong những năm tiếp theo.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngành hải quan tiên tiến, hiện đại, hướng tới mô hình hải quan số, hải quan thông minh với mức độ số hóa và tự động hóa cao đáp ứng yêu cầu thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong và sau thông quan.

Thứ hai, tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan từ Hệ thống Một cửa quốc gia và hệ thống quản lý chuyên môn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các bộ, ngành với hệ thống xử lý dữ liệu của ngành hải quan.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa ASEAN; tự động kết nối, trao đổi dữ liệu giữa Hệ thống Cơ chế một cửa ASEAN với hệ thống CNTT của ngành hải quan.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Thứ năm, nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng hệ thống máy soi, camera, seal điện tử và các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan. Trao đổi, kết nối kết quả kiểm tra, soi chiếu với Hệ thống xử lý dữ liệu trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thứ sáu, vận hành có hiệu quả hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia theo nhiệm vụ phân công tại các nghị quyết của Chính phủ; tổ chức triển khai công tác cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2020 của Chính phủ và Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ bảy, đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức điện tử: Hồ sơ hải quan được nộp cho cơ quan hải quan qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử theo dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số), doanh nghiệp không phải nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan cho cơ quan hải quan (trừ các trường hợp phải nộp chứng từ bản chính, chứng từ bản gốc theo quy định của các bộ, ngành). Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Thứ tám, thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ nội dung của các thủ tục hành chính tại nơi làm thủ tục hải quan theo quy định.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên, Chỉ thị cũng nêu các nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị.

Theo Tổng cục Hải quan, các giải pháp trên nhằm đạt được mục tiêu cải cách hiện đại hóa giai đoạn 2021-2030 và hoàn thiện môi trường làm việc điện tử (phi giấy tờ) trong công tác quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng nền tảng hải quan số dựa trên ứng dụng dữ liệu lớn (big data); hướng tới kết nối với các bên thông qua việc chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để tạo các dịch vụ hải quan số; ứng dụng tối đa các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 để chủ động phấn đấu là đơn vị đi đầu trong kế hoạch chung về chuyển đổi số của Chính phủ, phấn đấu trở thành cơ quan hải quan số hàng đầu trên thế giới trong giai đoạn 2026-2030.

Đồng thời thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 2764/QĐ-TCHQ ngày 29/10/2021 của Tổng cục Hải quan về Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025.

Đến năm 2030, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành hải quan thông minh và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đạt từ 95% trở lên. 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động. 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan...

Anh Minh

Link nội dung: https://doanhnghiepnguoitieudung.vn/hai-quan-dat-muc-tieu-phi-giay-to-vao-nam-2022-14134.html