Theo thông tin phản ánh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 của Bộ Y tế được biết những ngày cuối tháng 02/2022 số ca nhiễm mới Covid-19 tăng đột biến trên địa bàn cả nước. Điển hình từ 16h ngày 26/2/2022 đến 16h ngày 27/2/2022, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 86.990 ca nhiễm mới(tăng 8.996 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 58.680 ca trong cộng đồng). Riêng ngày 28/2 số ca mắc mới Covid-19 trong cả nước tăng vọt lên 94.385 trường hợp, trong đó có đến 66.227 F0 cộng đồng, nhiều tỉnh thành lập "đỉnh" mới.
Điều này đã làm cho nhu cầu sử dụng kit test nhanh Covid-19 cũng tăng theo khiến cho mặt hàng này trong nước rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, từ đó dẫn đến giá sản phẩm kit test nhanh Covid-19 trên thị trường tăng không ngừng, thậm chí khan hiếm hàng.
Theo Vietnam+ đưa tin ngày 23/02/2022 được biết: “Bộ Ag Home Test Kit (Hộp 25 kit) trước tết có mức giá 1,875 triệu đồng/hộp nay được bán với giá 2,375 triệu đồng/hộp (tăng hơn 10% một hộp), bộ Flowflex Test Kit (hộp 25 bộ kit) trước đó được bán với giá 1,5 triệu đồng mỗi hộp hiện đã có giá 2,2 triệu đồng/hộp (tăng gần 20% một hộp), bộ xét nghiệm nhanh nước bọt Covid-19 Antigen Rapid Test Kit (hộp 20 Test) được bán với giá 1,6 triệu đồng/hộp.”
Tính đến ngày 23/2/2022, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó chỉ có 14 sản phẩm được sản xuất trong nước, còn lại 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2). Như vậy, các sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên và xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2 (trong đó có bộ kit test nhanh Covid-19) chủ yếu là nhập khẩu.
Dự báo số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam trong tháng 3/2022 vẫn có thể tiếp tục tăng, nên nhu cầu sử dụng kit test nhanh Covid-19 vẫn lớn. Do vậy, rất có thể xảy ra tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp của dịch bệnh để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép mặt hàng kit test nhanh Covid-19 từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ, hoặc đầu cơ, găm hàng tăng giá bán bất hợp pháp mặt hàng này nhằm mục đích trục lợi.
Trước đó, ngày 17/2/2022, lực lượng chống buôn lậu thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu -Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, khám xét một lô hàng test COVID-19 có dấu hiệu nhập lậu, vi phạm pháp luật hải quan. Kết quả kiểm tra phát hiện hơn 85.000 bộ kit test Covid-19 các loại có xuất xứ từ Hàn Quốc, trị giá khoảng 8,5 tỷ đồng. Được biết lô hàng trên được vận chuyển từ Hàn quốc bằng đường hàng không về Việt nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và lực lượng chức năng có liên quan cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Lực lượng chức năng có thẩm quyền (Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an) cần phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa; hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới tại các khu vực đường mòn, lối mở biên giới đường bộ. Kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm có liên quan đến mặt hàng kit test nhanh Covid-19; áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro để kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu mặt hàng này tại cửa khẩu, không để xảy ra hiện tượng gian lận thương mại (gian lận về số lượng, chủng loại, khai sai tên hàng…) để trục lợi.
Cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh mặt hàng kit test nhanh Covid-19, cụ thể khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định; các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị tế thuộc loại C, D (sản phẩm trang thiết bị y tế cần làm thủ tục đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường) theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế nhằm chống việc một số đối tượng lợi dụng để tiêu thụ mặt hàng này thông qua hành vi buôn lậu. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp phân phối, bán lẻ không thực hiện việc niêm yết giá, hoặc có hành vi gom hàng tăng giá bán bất hợp lý làm lũng đoạn thị trường.
Cơ quan y tế cần tăng cường nguồn lực, quy định cụ thể cho các tổ chức y tế cơ sở để họ có đủ điều kiện phục vụ người dân khi có nhu cầu cần hỗ trợ test nhanh covid-19. Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền về công khai giá đối với mặt hàng kit test nhanh Covid-19; phổ biến các quy định cụ thể về quy trình sử dụng kit test nhanh Covid-19 hiệu quả, tiết kiệm tại nhà, tránh tâm lý hoang mang, lãng phí không cần thiết làm cho người dân yên tâm, không tạo kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng bán mặt hàng này để trục lợi.
Đoàn Ngọc Toàn