Đây là những khó khăn, thách thức đòi hỏi công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cần phải tập trung giải quyết. Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành hoặc tham mưu Chính phủ sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho lực lượng nòng cốt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, lực lượng Quản lý thị trường và đơn vị chức năng thuộc Bộ đã thực hiện hàng trăm đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất đối với nhiều mặt hàng, lĩnh vực trong nền kinh tế như: Hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá.., các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; các loại hình kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử...
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để tấn công, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lớn; kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới.
Do đó, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực; tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây.
Mai Ka