DN “ngại” thừa nhận sản phẩm bị làm giả
Cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công Thương) cho biết, năm 2015, Cục đã tiến hành kiểm tra 38.059 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 68 tỷ đồng với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 536 tỷ đồng. Riêng quý I/2016, 1.269 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã bị phát hiện và xử lý.
Đại diện Cục QLTT cho biết, mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Còn ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho biết, việc sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài sản xuất, sau đó chuyển vào Việt Nam tiêu thụ rất lớn, chiếm tới 60-70%, như hàng điện tử, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, rượu ngoại, thuốc lá giả, đồ chơi bạo lực…
Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho rằng, bản thân DN Việt Nam cũng chưa thực sự tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả cùng các cơ quan chức năng. Có DN thấy hình ảnh sản phẩm của mình bị làm giả thì hốt hoảng “Tết đến nơi mà đưa tin hàng bị làm giả thì còn ai dám mua”. DN không muốn thương hiệu của mình được nhắc đến khi bị làm giả do sợ sẽ khó bán hàng. “Điều này cho thấy nhận thức của một số DN trong đấu tranh chống hàng giả còn hạn chế”, ông Lê Thế Bảo nhận định.
Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cũng bức xúc về tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau. Thậm chí, nhiều đơn vị mài chữ nổi trên vỏ bình của hãng khác, cắt tai, thay đổi kết cấu, logo… gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây thất thu thuế và là mầm mống gây ra nhiều vụ tai nạn, cháy nổ nguy hiểm.
Bên cạnh đó, đại diện hiệp hội này cũng cho rằng cùng một hành vi vi phạm nhưng có vụ việc xử lý hình sự, có vụ xử phạt hành chính. Vỏ bình khi bị tịch thu cũng xử lý nhiều kiểu, từ trả lại vỏ bình gas cho chính đối tượng vi phạm, đến bán đấu giá, trả lại cho chủ sở hữu hoặc đem tiêu hủy. Cách xử lý mỗi nơi một kiểu đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.
Tập trung vào các đầu nậu
Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết, tội phạm hàng giả đã len vào từng ngõ ngách với những việc làm rất tinh vi.
“Có khi chúng tôi bắt được 7 vụ vi phạm hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng chỉ khởi tố được 1 vụ, còn lại 6 vụ thì các bộ, ngành xử lý hành chính. Đây là một thực tế khó khăn, nhìn thấy rõ tội, bức xúc nhưng phải làm theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy hiện có quá nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn chồng chéo”, Đại tá Trực cho hay.
Ông Trực cho rằng mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị cần tốt hơn trong câu chuyện chống hàng giả và nâng cao nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng của Ban 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) hay Cục Quản lý thị trường hiện nay mới chỉ tiếp xúc được người đi làm thuê, người vận chuyển từ biên giới sang, thậm chí mới chỉ là các điểm bán lẻ chứ chưa phải đối tượng chính. Do đó, ông Hải cho rằng mục tiêu của Ban 389 cùng các lực lượng khác trong thời gian tới là tập trung “đánh” vào các đầu nậu.
Bên cạnh đó, các DN cũng phải vào cuộc tích cực cùng Nhà nước vì bản thân DN chính là nạn nhân của nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo baodientuchinhphu.vn
Link nội dung: https://doanhnghiepnguoitieudung.vn/hang-gia-hang-nhai-bi-hai-cung-ngai-len-tieng-4099.html