Các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thường có điều kiện kinh tế, chuyên môn, kỹ thuật và am hiểu về chuyên ngành. Bên cạnh đó, lợi dụng sự khan hiếm, sức tiêu thụ của một số mặt hàng trên thị trường, các đối tượng đặt hàng sản xuất ở nước ngoài giống với hàng thật, in vỏ bao bì, nhãn mác, pha trộn, giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, các nhà đầu tư gây tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội.
Trong năm 2022, ngành Kiểm sát nhân dân đã phối hợp với Cơ quan điều tra khởi tố tổng số 220 vụ án/397 bị can (tăng 61 vụ/133 bị can so với năm 2021), truy tố 112 vụ án/261 bị can (tăng 23 vụ/100 bị can so với năm 2021), thực hành quyền công tố xét xử 112 vụ án/241 bị cáo về các tội liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, có nhiều vụ án có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, phương thức móc nối cấu kết rất tinh vi chặt chẽ, lợi dụng các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp để che giấu hành vi phạm tội. Điển hình như vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý dược (vụ án VN Pharma giai đoạn 2), Viện KSND Tối cao đã truy tố Nguyễn Minh Hùng cùng 08 đồng phạm về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng những sơ hở trong công tác quản lý dược và hải quan, trong các năm 2018-2010, Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm đã làm giả các hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán, nâng khống giá thuốc, làm giả chứng từ thay đổi nguồn gốc xuất xứ thuốc, hợp thức hoá chứng từ thanh toán để thông quan, nhập khẩu 838.100 hộp thuốc, trị giá 1.234.892,75 USD.
Đặng Thu Hằng