Số vụ buôn lậu, sản xuất kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng có xu hướng giảm

Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ từ các bộ, ngành, địa phương gửi về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2022, cho thấy số vụ vi phạm giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

07-52-34-dau-goi-dau-gia-1678098599342769335718-1681195985.jpeg

Dầu gội đầu giả nhãn hiệu nổi tiếng bị lực lượng  Quản lý thị trường thu giữ tại TP.HCM có in chữ nước ngoài, dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt giống hàng thật.

Năm 2022, các cơ quan chức năng cả nước đã phát hiện xử lý 3.527 vụ vi phạm (giảm 567 vụ, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 807 vụ buôn bán kinh doanh hàng nhập lậu (giảm 220 vụ, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước), 2.491 vụ gian lận thương mại (giảm 376 vụ, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước), 229 vụ hàng giả (tăng 29 vụ, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước); trong đó nhóm hàng dược phẩm là 1009 vụ ( giảm 869 vụ, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước), mỹ phẩm là 1618 vụ ( giảm 228 vụ, giảm 12%  so với cùng kỳ năm trước), thực phẩm chức năng là 822 vụ (tăng 490 vụ, tăng 147,5% so với cùng kỳ năm trước), 78 vụ thuốc y học cổ truyền (tăng 56 vụ, tăng 254% so với cùng kỳ năm trước).

Xử lý hành chính 3510 vụ; Thu nộp ngân sách nhà nước 49,31 tỷ đồng từ xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế và bán hàng tịch thu;  Xử lý hình sự 17 vụ/35 đối tượng; Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược và đình chỉ hoạt động kinh doanh: 06 trường hợp vi phạm về xuất khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt; ban hành 11 văn bản thu hồi thuốc vi phạm chất lượng; ban hành các công văn đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 41 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng; Thực hiện tạm ngừng hoạt động của 133 tên miền “.vn”, thu hồi 04 tên miền.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương: Hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong đó có nhóm mặt hàng là dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đã thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động trên tất cả các các tuyến biên giới đất liền, vùng biển cũng như địa bàn nội địa.

Tại tuyến biên giới đất liền phía Bắc, khi Trung Quốc xây dựng hàng rào biên giới cứng thì các hoạt động buôn lậu nhỏ lẻ, mang vác qua cánh gà của khẩu, theo đường mòn, lối mở gần như không còn nữa, số vụ việc vi phạm giảm rõ. Đối tượng chuyển phương thức hoạt động, bằng thủ đoạn núp bóng các công ty nhập khẩu theo đường chính ngạch để khai sai chủng loại, số lượng hàng hóa khi làm thủ tục đi qua cửa khẩu để đưa hàng vào nội địa tiêu thụ qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai.

Tại tuyến biên giới Việt Nam với Lào và Campuchia các đối tượng đầu nậu, chủ hàng xuất cảnh ra nước ngoài mua dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dán các nhãn mác hàng hóa đang được người tiêu dùng ưa chuộng, sau đó thuê cửu vạn, khoán công đoạn vận chuyển, ngụy trang, kê khai gian dối hàng hóa để vận chuyển qua cửa khẩu, đường mòn biên giới nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, xảy ra chủ yếu trên tuyến các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Kiên Giang .

 Tuyến cảng biển, cảng nội địa, cảng hàng không hàng hóa từ nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam bằng container, bưu kiện, bưu phẩm.., lợi dụng chính sách quản lý rủi ro trong quản lý thuế; chính sách áp dụng quản lý rủi ro trên hệ thống thông quan hàng hóa tự động, quá trình nhập khẩu hàng hóa, đối tượng khai báo gian dối số lượng, giá trị, chủng loại hàng hóa để nhập lậu hàng hóa vào Việt Nam.

Trong thị trường nội địa, nổi lên tình trạng lợi dụng sự khan hiếm khó khăn của nguồn nhập khẩu thuốc chữa bệnh thời gian qua, các đối tượng sản xuất thuốc tân dược giả tráo đổi hàng nội thành hàng ngoại hoặc núp bóng các doanh nghiệp có chức năng sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng để tổ chức sản xuất thuốc tân dược giả và thực phẩm chức năng giả các loại là những sản phẩm đã được đăng ký độc quyền của các công ty trong nước và nước ngoài với qui mô lớn; lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư, cấu kết với các đối tượng nước ngoài, sử dụng phương tiện công nghệ cao để buôn lậu; một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài không tổ chức sản xuất tại Việt Nam mà nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khác...

 Cùng với đó, hoạt động thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và trở nên phổ biến, tiện lợi đối với người tiêu dùng thì cũng xuất hiện các thủ đoạn mới về buôn bán, kinh doanh hàng giả hàng kém chất lượng. Các đối tượng lập nhiều tài khoản mạng và chạy quảng cáo, sử dụng những cá nhân nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực y tế, xã hội để làm nhân vật cho quảng cáo sai sự thật về hàng hóa đặc biệt đối với nhóm mặt hàng thuốc đông y sản xuất gia truyền, thuốc chữa bệnh dân gian, các dược liệu quý tự nhiên như sâm, nấm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm; chụp ảnh sản phẩm bằng công nghệ; chỉ dẫn địa chỉ bán hàng chung chung, không rõ ràng hoặc qua hộp thư kín, phát trực tiếp và đăng tải bài quảng cáo về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; sử dụng nhà ở, chung cư làm kho chứa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng,...gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Lợi dụng hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà với đội ngũ người giao hàng (shipper) đông đảo ...  các đối tượng đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào các kho chứa bưu kiện, bưu phẩm, đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể đối với hàng hóa vi phạm.

Trịnh Thị Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepnguoitieudung.vn/so-vu-buon-lau-san-xuat-kinh-doanh-duoc-my-pham-thuc-pham-chuc-nang-gia-kem-chat-luong-co-xu-huong-giam-47240.html