truedata

Quyết liệt ngăn chặn thực phẩm không nguồn gốc tuồn ra thị trường cuối năm

15/12/2021 09:19

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm của người dân tăng cao, đây cũng là thời điểm thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được các đối tượng trà trộn, tuồn ra thị trường. Nhiều vụ việc đã bị lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố phát hiện và xử lý…

Ngày 29/11/2021, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai, phát hiện lô hàng thực phẩm bao gói sẵn là kẹo với số lượng 55.110 gói, loại 30g/gói x 330gói/hộp, đóng trong 167 hộp bìa carton không rõ nguồn gốc xuất xứ, đang tập kết tại thôn Vàng, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai.

Trước đó, đầu tháng 11, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 Lào Cai đã tiến hành tiêu hủy hơn 10.000 sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thu giữ được trong thời gian vừa qua. Gồm 3.300 gói bánh quy, 4.900 gói tăm cay, 1.400 gói thịt cay, 300 gói kẹo dẻo, 200 gói thịt vịt chay khô, 240 chai mỹ phẩm dưỡng tóc. Bên ngoài bao bì của các sản phẩm trên có in chữ nước ngoài.

Tại Quảng Ninh, thời gian qua lực lượng Hải quan đã ngăn chặn được lượng lớn thực phẩm không nguồn gốc tuồn vào thị trường nội địa, mặt hàng vi phạm chủ yếu là con sò lông, bàn chân gà chao, con cà ra, gà giống, ngỗng giống, tôm hùm đất, lòng lợn đông lạnh, hàu giống, thịt lợn… Trong đó, có những vụ việc tiêu biểu: ngày 29/8/2021, Đội KSHQ số 2 chủ trì phối hợp Công an tỉnh bắt giữ 3 đối tượng vận chuyển trái phép 46.600 con gà giống, 400 con ngỗng giống, trị giá hàng hóa vi phạm 859,4 triệu đồng. Ngày 17/8/2021, Đội KSHQ số 1 phối hợp Đồn Biên phòng Bắc Sơn, Công an phường Hải Yên (Móng Cái), Đội Quản lý thị trường số 4 bắt vụ vận chuyển 3.000 kg phế phẩm bàn chân gà chao, trị giá tang vật 45 triệu đồng.

12-01-34-file0309-1639500035.jpeg
Lực lượng Hải quan Quảng Ninh đã ngăn chặn được lượng lớn thực phẩm không nguồn gốc tuồn vào thị trường nội địa. Ảnh: T.Trang.

Ngày 3-12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục QLTT TP Hải Phòng phối hợp cùng Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hải Phòng kiểm tra cơ sở sản xuất chế biến do ông Phạm Năng Út làm chủ hộ kinh doanh. Thời điểm kiểm tra, cơ sở của ông Út đang chứa 7,5 tấn lòng già heo trị giá khoảng 50 triệu đồng.

Tại Lạng Sơn ngày 25/11, 14 tấn thịt bò đông lạnh do nước ngoài sản xuất chưa xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp vừa bị Đội 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công an huyện Văn Lãng phát hiện và tiến hành kiểm tra, xử lý.

Trước đó, ngày 18/11/2021, Đội QLTT số 6 đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thực phẩm tại Thửa 256 (đường Đoàn Thị Điểm, phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 14 mặt hàng với gần 400 đơn vị sản phẩm là thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn, do nước ngoài sản xuất; toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Trước đó ngày 11/11/2021, Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Bắc Ninh ập vào xưởng sản xuất và kho chứa sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "Thuận Phát" tại địa chỉ thôn Yên Khê (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền (phường Phù Lưu, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cũng phát hiện, thu giữ hơn 28.000 sản phẩm sa tế có dấu hiệu vi phạm.

Tại Quảng Bình, ngày 12/12 các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh này đã tiến hành tiêu hủy gần 2.500kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: Cánh gà, tràng lợn, bắp bò, vó bò, móng lợn, ba chỉ bò, gà ri nguyên con, gà muối hoa tiêu, móng giò lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá khoảng 360 triệu đồng đã được các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy tại bãi rác chung Đồng Hới - Bố Trạch.

Đầu tháng 11/2021, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cũng kiểm tra, phát hiện lô hàng có trọng lượng 650kg sườn lợn đã bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến lô hàng và giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng...

Có thể thấy,các đối tượng vi phạm thường dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố, như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới. Trong đó xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm, tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa...; phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thực hiện chỉ đạo này, lực lượng 389 trên các địa bàn đã thực hiện nhiệm vụ chốt chặn không để thực phẩm bẩn có thể len lỏi vào các đời sống, sản xuất câu chuyện giám sát chặt đường đi của các sản phẩm không để ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Bên cạnh việc tích cực tuần tra kiểm soát, chống các hành vi gian lận thương mại, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã có những biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa sản xuất trong nước . Cụ thể: Xác định nhiệm vụ tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về hàng hóa sản xuất trong nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai tuyên truyền, phổ biến cho người tiêu dùng kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả; tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, trách nhiệm liên quan đến người sản xuất, kinh doanh…

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội chợ triển lãm hàng thật, hàng giả; phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố công khai trên các phương tiện thông tin báo chí các vụ việc, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng mới xuất hiện, tổ chức công khai các đợt tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng để nâng cao nhận thức của người dân.

Thông qua công tác tuyên truyền, người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn đúng đắn về hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời sẽ tố giác, tẩy chay đối với các hàng hóa nhập lậu giả các thương hiệu nội địa hoặc các hàng hóa sản xuất trong nước kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cần thực hiện các biện pháp để trở thành “người tiêu dùng thông thái. Trước hết, người tiêu dùng phải tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như kiến thức về tiêu dùng, đặc biệt khi mua và sử dụng hàng hóa phải lựa chọn những mặt hàng, thương hiệu đã biết trước, có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn bảo hành, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước; cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua tiếp cận các khác biệt mới xuất hiện. Ngoài ra, người tiêu dùng khi mua hàng cần phải lấy hóa đơn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thu Trang