truedata

Cảnh báo hàng tồn kém chất lượng, hàng không nguông gốc len lỏi vào thị trường khi Tết cận kề

11/11/2021 10:34

Theo dự báo của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, nhiều khả năng hàng tồn, hàng kém chất lượng sẽ len lỏi vào thị trường trong những tháng cuối năm, đặc biệt Tết Nguyên đán tới gần. Vì vậy, tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, nhất là lối mòn, lối mở nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng mang vào nội địa tiêu thụ là nhiệm vụ trọng tâm mà các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại phải thực hiện.

19-50-47-qltt-dong-nai-vua-chong-dich-vua-bao-ve-thi-truong-lanh-manh-1636601515.jpg
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa.

Sáng ngày 3/11, trong quá trình kiểm soát, Công an huyện Nghi Lộc phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Nghệ An) phát hiện và kiểm tra xe ô tô có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa trái phép. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang chở 343 thùng chứa 3.474 chai rượu mang nhãn mác như Macallan, Ballantines, Chivas 18... không rõ nguồn gốc xuất xứ khi lưu thông qua địa bàn. Thời điểm kiểm tra, tài xế L. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số rượu trên.

Tại An Giang, đầu tháng 11 Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Phú Tân, An Giang vừa phát hiện, bắt quả tang xe ô tô tải biển kiểm soát 65C-074.64 do ông Huỳnh Thanh Sơn, sinh năm 1968, ngụ khóm Long Thạnh A, phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu điều khiển chở 500 bao bột ngọt nhãn hiệu Saji (loại 500gam/bao) và 20 bao bột giặt nhãn hiệu Aba (loại 3kg/bao) không hóa đơn chứng từ.

Làm việc với cơ quan Công an, ông Huỳnh Thanh Sơn thừa nhận vận chuyển thuê số hàng hóa trên cho bà Trần Thị Liêu, sinh năm 1977, ngụ ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân.Từ lời khai trên, Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an huyện phối hợp với Công an thị trấn Chợ Vàm tiến hành kiểm tra nơi cất giấu tang vật là nhà ở của bà Trần Thị Liêu tại khu vực tổ 15 Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm.

Kết quả phát hiện, trong nhà có 20 bao bột ngọt nhãn hiệu nước ngoài (loại 25kg/bao), 3 bao bột ngọt nhãn hiệu Saji (loại 500 gam/bao) 2 cân điện tử, 1 máy ép nhãn hiệu, 1 bao bột năng, cùng nhiều bao bì bột ngọt, bột giặt nhãn hiệu Saji, Vedan, Ajinomoto, Omo, Aba…. Qua làm việc với cơ quan Công an, bà Trần Thị Liêu thừa nhận những tang vật trên dùng để sản xuất bột ngọt và bột giặt giả để bán ra thị trường. Vụ việc đang được tiếp tục xác minh làm rõ.

Gần đây, sáng ngày 6/11, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang kiểm tra đột xuất kho hàng trên khu vực biên giới huyện An Phú, phát hiện tạm giữ gần 10 tấn đường cát Thái Lan nghi vấn nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tại kho hàng tại ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, do ông Phan Thanh Toàn, sinh năm 1997, trú tại ấp Chánh Hưng, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, ông Toàn không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định và không xuất trình được hóa đơn hợp pháp, chứng minh nguồn gốc xuất xứ số đường cát trên. Vụ việc đang được tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Theo đánh giá của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội ở một số địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, số lượng vụ việc vi phạm hàng giả, hàng buôn lậu giảm nhưng tính phức tạp lại tăng hơn. “Ví dụ, khi thuốc điều trị COVID-19 vừa chính thức có mặt tại Việt Nam thì có ngay hàng giả; các mặt hàng phòng chống dịch cũng được làm giả nhiều như khẩu trang, găng tay y tế…Vấn nạn hàng giả xuất hiện nhiều ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các mặt hàng buôn lậu “truyền thống” như: Thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang... tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng tại các website, trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo...

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, còn xuất hiện phương thức mới trong việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm.

Theo đánh giá của Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, chỉ trong tháng 10/2021, không ít vụ việc đã được lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành liên tục phát hiện triệt phá như: ngày 26/10/2021, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã phát hiện và thực hiện tiêu hủy 8.400 sản phẩm hàng hóa là thực phẩm nhập lậu là 8.400 gói chân gà do Trung Quốc sản xuất; ngày 24/10 lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã kiểm tra phát hiện 2.950 lọ mỹ phẩm gồm: Sữa rửa mặt, kem tẩy tế bào chết, nước tẩy trang hoa hồng…do Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, trên phương tiện còn có 633 sản phẩm quần, áo; 140 linh kiện phụ tùng xe ô tô các loại do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa; ngày ngày 20/10/2021, Đoàn Kiểm tra liên ngành 389/ĐP tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra 1 DN và phát hiện số hàng hoá công ty đang kinh doanh chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ, toàn bộ hàng hóa gồm 21 mặt hàng với 1.114 đơn vị sản phẩm không có nhãn, không rõ xuất xứ, gồm: Chè dưỡng nhan, Sâm bí đao, da heo sấy, nước chấm, cơm cháy, bánh gấu, bánh bông lan, chuối sấy; hàng hoá ghi do nước ngoài sản xuất, gồm: Bột ngọt, sáp phụ khoa, Sernu Dronl White, Colagen Rice Will, Vaseline BlueSeal, kem Babody vitamin, VitaminE Alpha3, dầu gội Pentine, dầu gội Clear, kẹo ngậm C, miếng dán chân, nước sâm, kẹo ngậm….

Vì vậy theo, nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2021 mà đã được Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh- Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu là các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, nhất là lối mòn, lối mở nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng mang vào nội địa tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các lực lượng cần xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; Tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại... Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn.

Xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ, tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhóm các mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như: ma tuý, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp,.... đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.

Chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát, đôn đốc các lực lượng chức năng chỉ đạo, điều phối công tác phối hợp lực lượng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Hiện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đang xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết nguyên đán Nhân Dần. Trong đó, sẽ đưa ra nhiệm vụ cụ thể theo từng tuyến đường, mặt hàng và địa bàn cụ thể trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Thu Trang