truedata

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sẽ ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

23/05/2023 08:57

Thông tin tại Hội thảo khoa học với chủ đề "Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm" do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức cho thấy, tình trạng mập mờ thông tin, xuất xứ sản phẩm của không ít doanh nghiệp thời gian qua đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Do đó ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa không những tạo thuận lợi thương mại mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

17-25-11-anh-linh-1684806666.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó  Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TH

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó  Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh,  theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng cần có thông tin về nơi sản xuất, quy trình và quy cách của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc... Việc truy xuất nguồn gốc dần dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu. Bởi đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

17-33-34-dau-goi-dau-gia-1678098599342769335718-1684806666.jpeg
Thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm sẽ ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Vì vậy, tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/1/2022  sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường. Các quy định về truy xuất nguồn gốc tại Nghị định số 13/2022/NĐ-CP đã khẳng định vai trò quản lý Nhà nước nhằm thống nhất hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Cụ thể như: Tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, xây dựng các tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia và nghiên cứu đề xuất sửa dổi, bổ sung quy định về xử phạt các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến truy xuất nguồn gốc... Thực hiện các hoạt động quảng bá, nhân rộng các mô hình áp dụng truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.

Thông tin tại Hội thảo, trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình thực hiện truy xuất nguồn gốc có thể sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc. Người dùng chỉ cần sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc là có thể tìm được thông tin sản phẩm. Ngoài ra, có thể truy xuất nguồn gốc bằng mã sạch, tem truy xuất nguồn gốc thông tin sản phẩm, với phương thức này hàng hóa sẽ được gán tem giúp người dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra xem sản phẩm mình mua có phải hàng thật hay hàng giả. Việc truy xuất nguồn gốc có thể thực hiện linh hoạt, đa dạng, sử dụng đa nền tảng để đáp ứng yêu cầu với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, cũng như các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc. 

 

Đặng Thu Hằng