truedata

Hoàn thiện quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu để ngăn chặn buôn lậu và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại

14/02/2023 09:16

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát các quy định pháp luật liên quan đến truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm tra nhà nước về chất lượng; triển khai tích cực thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” năm 2022.

10-18-05-ma-hang-hoa-1676256575.jpeg

Cụ thể liên quan đến truy xuất nguồn gốc: Ngày 4/4/2022, Bộ Tài chính có công văn số 3024/BTC-TCHQ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đối với mặt hàng đường mía, trong đó có nội dung đề xuất, kiến nghị triển khai dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường. Ngày 7/7/2022, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4228/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo  của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành “Yêu cầu các Bộ: Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản: số 4016/VPCP-KTTH ngày 16/6/2021, số 3649/VPCP-KTTH ngày 20/11/2021, số 741/VPCP-V.I ngày 28/01/2022; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản nêu trên để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và quy định của pháp luật nhằm tăng cường quản lý đối với mặt hàng đường mía, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu làm cơ sở triển khai các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg. Theo đó, tại dự thảo Nghị định quy định một số nội dung liên quan đến truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm tra nhà nước về chất lượng, cụ thể: Quy định nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải “Lưu trữ các thông tin liên quan đến nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm và khách hàng trong trường hợp khách hàng đã mua sản phẩm đó thông qua hợp đồng, số sách ghi chép hoặc các phương thức khác trong thời hạn 05 năm để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc”. Quy định cơ quan Hải quan có trách nhiệm: “Sử dụng thông tin truy xuất nguồn gốc, thông tin về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan các nước để phân tích, đánh giá rủi ro của hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu”. Quy định các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm: “Quy định cụ thể việc truy xuất nguồn gốc và tổ chức triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý”.  Quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm: “Trao đổi thông tin dữ liệu với hải quan các nước về chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phân tích đánh giá rủi ro, quyết định phương thức kiểm tra”. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến thành viên Chính phủ (lần 2) và dự kiến trình Chính phủ vào Quý I/2023.

Đặng Thu Hằng